89% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Cập nhật ngày: 12/11/2018 02:20 (Lượt xem: 963)
Ngày 12-11, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.

 

 

Tính hết năm 2017, toàn tỉnh có 89% số hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó có 62% số hộ sử dụng các công trình cấp nước phân tán, nhỏ lẻ hộ gia đình, còn 38% số hộ được sử dụng nước từ 221 công trình nước tập trung.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Hằng năm, có tổ chức đánh giá hiện trạng, rà soát các công trình; đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững các công trình.

Tuy nhiên, tại một số vùng sâu, vùng xa, người dân chưa có ý thức trong quản lý, sử dụng nên nhiều công trình đã bị hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, một số công trình có quy mô nhỏ, được xây dựng từ trước năm 2008 với công nghệ lạc hậu, xuống cấp chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp nên đã ngừng hoạt động.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các nội dung, như: Nguyên nhân khiến các công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng là phần lớn do ý thức của người dân chưa cao; việc quản lý, vận hành khai thác các công trình cấp xã chưa thực sự phát huy hiệu quả; việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình bị hư hỏng theo phân cấp của UBND tỉnh chưa được kịp thời…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT cần phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất số liệu và các tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả các công trình theo từng nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện báo cáo trình UBND tỉnh; trong đó cần đánh giá thực trạng, phân tích thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị trong quá trình thực hiện. Đối với các huyện, thành, thị cần rà soát lại từng công trình, đánh giá chất lượng, hiệu quả và đề ra giải pháp để quản lý tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: