Bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu

Cập nhật ngày: 01/04/2020 08:13 (Lượt xem: 962)
Chỉ sau một vài giờ đồng hồ Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, cách ly toàn xã hội 15 ngày (bắt đầu từ 0h ngày 1-4), nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đổ xô đến các chợ, siêu thị để mua thực phẩm, rau, củ quả tích trữ. Điều này đã gây nên tình trạng “sốt” ảo một số mặt hàng thiết yếu.

Người dân đổ xô đi mua rau, củ, quả tại đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên).

 

Nếu như trước 14h ngày 31-3, hoạt động mua, bán tại các chợ, siêu thị vẫn diễn ra bình thường thì kể từ 14h trở đi cho đến tối cùng ngày, nhiều người dân tập trung đông tại các chợ, cửa hàng, siêu thị để mua thực phẩm, đặc biệt là khu vực dọc tuyến đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) và tại các siêu thị như: Thành Đô, Minh Cầu, Lan Chi… Chị Trần Thị Thị Hương, thủ kho Siêu thị Minh Cầu cho biết: Trong chiều 31-3, lượng khách đến mua hàng tại siêu thị tăng khoảng 40%, trong đó, người dân chủ yếu lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Rau, củ, quả, gạo, thịt, dầu ăn, mỳ tôm… Siêu thị đã phải huy động tất cả nhân viên để thanh toán cho khách, đảm bảo phục vụ khách hàng một cách nhanh nhất. Mặc dù lượng khách đến mua hàng đông nhưng siêu thị không tăng giá bất cứ một mặt hàng nào mà vẫn bán theo giá đã được niêm yết. Ngoài ra, chúng tôi còn triển khai bán hàng online để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Tương tự, tại chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), lượng khách đến mua hàng trong chiều 31-3 tăng khoảng 50%. Theo đại diện một số tiểu thương tại chợ, giá cả các mặt hàng rau, củ, quả tăng từ 5-10% tùy loại.

Có mặt tại chợ Thái (T.P Thái Nguyên) thời điểm 17h, chúng tôi thấy các gian hàng vẫn được bày bán đa dạng, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Lượng người đến mua các mặt hàng thiết yếu đông hơn mọi ngày khoảng 30%. Chị Nguyễn Thị Trang, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả trong chợ cho biết: Tầm 17h, các mặt hàng rau, củ, quả tại chợ vẫn được bán ra với giá ổn định. Cụ thể: Rau muống, rau mùng tơi có giá 5 nghìn đồng/mớ; rau cải 5 nghìn đồng/mớ; rau đông dư 10 nghìn đồng/kg; dưa chuột, bí đỏ có giá từ 15-20 nghìn đồng/kg; khoai tây có giá 20 nghìn đồng/kg. Chỉ duy nhất có cà chua là mặt hàng tăng giá mạnh, từ 20 nghìn đồng/kg lên 30 nghìn đồng/kg.

Tại chợ Hanh, xã Điềm Thụy (Phú Bình), đa dạng các mặt hàng thực phẩm vẫn được các tiểu thương bày bán bình thường.

Sở dĩ có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ là do tâm lý lo sợ, không hiểu rõ nên lo ngại các mặt hàng sẽ bị khan hiếm, không mua được thực phẩm, giá cả tăng cao hoặc không muốn ra ngoài nhà từ ngày 1-4. Tuy nhiên, trong Chỉ thị số 16/CT-TTg đã nêu rõ, việc kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc men, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu sẽ không bị đóng cửa.… Theo đại diện các Siêu thị và các tiểu thương, cơ bản các nguồn hàng vẫn rất dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân. Một số mặt hàng chỉ hết tạm thời, chỉ sau 1-2 ngày lại đủ đáp ứng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Để phần nào giúp người dân an tâm mua sắm, trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 (từ ngày 28-3 đến ngày 15-4), chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn tạm thời danh mục các cửa hàng, mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh. Trong đó, có danh mục các loại mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại; chợ dân sinh; cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế…

Phong phú các mặt hàng rau, củ, quả… tại chợ Phố Cò, phường Phố Cò (T.P Sông Công).

Như vậy có thể thấy, hiện tại, một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh có thể hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do lượng người mua lớn và chưa được bổ sung ngay, nhưng các mặt hàng này sẽ sớm được cung cấp đầy đủ trở lại. Và trong trường hợp cần thiết, người dân vẫn có thể ra ngoài mua sắm các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu mà không lo thiếu hàng hoặc không được ra ngoài. Vì vậy, người dân không nên đổ xô đi mua sắm ồ ạt, có thể gây nhiễu loạn thị trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng nên đến các siêu thị để được mua hàng đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, tránh tình trạng tăng giá bất thường.

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/bao-dam-nguon-cung-cac-mat-hang-thiet-yeu-270173-85.html
Các tin khác: