Bảo đảm phòng, chống dịch gắn với ổn định sản xuất

Cập nhật ngày: 01/03/2021 08:22 (Lượt xem: 965)
Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, nhất là tại những nơi tập trung nhiều lao động như các khu, cụm công nghiệp. Chính vì vậy, cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh, công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trên tinh thần vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm, động viên lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 ở khu vực nút giao Tân Lập (T.P Thái Nguyên).

 

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động chăm lo đời sống công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh trong dịp trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua như thế nào?

Ông Phạm Việt Dũng: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 214.000 CNVCLĐ, trong đó có 169.673 CNVCLĐ thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) do tỉnh trực tiếp quản lý; số đoàn viên công đoàn do LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý là 155.553 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.367 công đoàn cơ sở. Hàng năm, vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh thường phối hợp với DN tổ chức Tết Sum vầy, đưa công nhân lao động về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trước tình hình bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ 3, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện nghiêm, đồng thời yêu cầu LĐLĐ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã hoãn hoặc hoặc điều chỉnh quy mô tổ chức Tết Sum vầy phù hợp. Các hoạt động tặng quà Tết, vé xe, tổ chức đưa người lao động (NLĐ) về quê đón Tết đều bảo đảm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, công đoàn các cấp rà soát, nắm bắt số lượng đoàn viên, NLĐ không thể về quê đón Tết vì lý do dịch bệnh để có biện pháp chăm lo, bảo đảm mọi công nhân đều có Tết. Kết quả là toàn bộ cán bộ, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh đều đón Tết an toàn, không có trường hợp nào nhiễm COVID-19.

Mọi năm, sau kỳ nghỉ Tết, công đoàn các cấp kêu gọi, động viên NLĐ quay trở lại đơn vị để sớm tập trung sản xuất. Tuy nhiên năm nay, chúng tôi tập trung rà soát, yêu cầu NLĐ khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trước khi quay trở lại làm việc. Theo báo cáo từ các cơ sở, đến ngày 17-2, CNLĐ thuộc khối DN trong nước trở lại làm việc xấp xỉ 100%; khối DN FDI đạt 95%. Tính đến ngày 28-2, số lượng công nhân tại các đơn vị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trở lại làm việc đã xấp xỉ 100%.

P.V: Xin ông cho biết rõ hơn về những biện pháp phòng dịch được các cấp công đoàn thực hiện khi NLĐ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết?

Ông Phạm Việt Dũng: Để phòng, chống dịch, nhiều công đoàn đã phối hợp với DN phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ nhà xưởng, văn phòng trước khi NLĐ trở lại. Đồng thời thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với tất cả lao động; rà soát, sàng lọc NLĐ trở về từ vùng dịch nhằm phân loại, cách ly y tế theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phối hợp với DN trang bị đủ nước rửa tay sát khuẩn tại văn phòng và nhà xưởng; đo thân nhiệt, yêu cầu 100% NLĐ đeo khẩu trang khi làm việc, không tụ tập đông người; hướng dẫn, động viên đoàn viên công đoàn, NLĐ cài đặt Bluezone...

P.V: Với những DN tại các khu công nghiệp tập trung đông NLĐ, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Vậy, công đoàn các cấp đã và đang triển khai những biện pháp phòng, chống dịch như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Việt Dũng: Bên cạnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như tôi đã nói ở trên, nhiều công đoàn của các DN ở khu công nghiệp đã tham mưu, đề xuất để sử dụng tối đa phương tiện vận tải hiện có đưa đón công nhân đi làm, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách nhằm giảm mật độ người tụ tập quá đông cùng một thời điểm. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn thành lập tổ hướng dẫn khai báo y tế bắt buộc bằng giấy cho toàn bộ công nhân từ các địa phương, nhất là tại các địa phương có người nhiễm COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết ở tại nơi tạm trú, nhà trọ của công nhân trên địa bàn; hướng dẫn để khai báo y tế điện tử với NLĐ ở lại khu nhà trọ xuyên Tết; phối hợp thường xuyên với ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương có hoặc gần khu công nghiệp kiểm tra, giám sát, liên hệ các chủ nhà trọ, nhắc nhở người thuê trọ thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

P.V: Xin cảm ơn ông!

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/bao-dam-phong-chong-dich-gan-voi-on-dinh-san-xuat-281725-85.html
Các tin khác: