Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 30/01/2019 08:27 (Lượt xem: 969)
Thực hiện kế hoạch tổ chức kiểm tra và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Ban chỉ đạo liên ngành đã tổ chức “chiến dịch” kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có thêm nội dung giám sát, kiểm tra về hành vi, nhận thức người tiêu dùng. Mục đích chính là tăng cường giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trực tiếp đến người dân, để người tiêu dùng chủ động kiểm soát ATVSTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kiểm soát ATVSTP tại cửa hàng tạp hóa Đức Dương, xã Tiên Hội (Đại Từ)

 

Với địa bàn rộng, huyện Đại Từ có tới 31 đơn vị hành chính cấp xã, dịp Tết sức mua sắm tăng mạnh, đồng thời cũng phát sinh thêm hàng nghìn hộ, loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát nên rất khó kiểm soát. Huyện tập trung vào khâu tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tại buổi làm việc với các cơ quan chuyên môn (Y tế, Nông - lâm nghiệp, Công thương) của huyện Đại Từ, ông Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện - cơ quan Thường trực liên ngành ATVSTP huyện cho biết: Qua kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh tạp hóa Đức Dương, xã Tiên Hội cho thấy: Cơ sở kinh doanh đa dạng, nhưng việc phân loại hàng hóa chưa tốt, dễ lẫn lộn các loại hình hàng hóa. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Bích, người cùng xã, đã lựa chọn một số sản phẩm kẹo sữa nhập khẩu. Tuy nhiên, qua kiểm tra hàng hóa sau thanh toán, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã chỉ ra một số lỗi mà người tiêu dùng còn chủ quan như: Bánh kẹo nhập khẩu có xuất xứ từ nước Nga (qua chữ viết tiếng Nga ghi trên bao bì), nhưng không có tem nhập khẩu, kiểm định và các chú thích bằng tiếng Việt. Như vậy, mặt hàng này không bảo đảm điều kiện lưu thông. Đoàn đã hướng dẫn với khách hàng tại đây: Người mua cần yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh có trách nhiệm làm rõ nguồn gốc, xuất xứ và các thuyết minh cần thiết bằng tiếng Việt cho khách hàng. Sau khi kiểm tra lại các hóa đơn nhập hàng, chủ cơ sở kinh doanh Đức Dương cho thấy, nguồn gốc hàng nhập từ nhà phân phối tại T.P Thái Nguyên, tuy nhiên chưa kịp niêm yết các thông tin cần thiết theo quy định. Đoàn đã niêm phong toàn bộ sản phẩm này và yêu cầu chủ cơ sở phải chứng minh đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật về ATVSTP, cũng như hoạt động kinh doanh của sản phẩm trong thời gian 2 ngày. Nếu đủ điều kiện, cơ quan Thường trực liên ngành của huyện sẽ cho phép lưu thông.

Còn tại siêu thị B Mart, ở thị trấn Hùng Sơn, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh cũng đã phát hiện một số sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu Hàn Quốc được chia thành các túi nhỏ. Khi các khách hàng mua xong, hoàn toàn không rõ nguồn gốc, các tem mác nhập khẩu, cũng như các thông tin cần thiết về sản phẩm bằng tiếng Việt. Như vậy rất dễ lẫn với hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua kiểm tra hóa đơn nhập hàng, Đoàn đã đề nghị chủ siêu thị cần bảo đảm việc niêm yết các thông tin theo quy định. Đối với siêu thị, các nhân viên giải thích: Mặc dù gói hàng có tem mác theo đúng quy định, nhưng do túi hàng lớn, giá tiền cao, người dân khó mua nên nhân viên đã chia thành các túi nhỏ, gia công lại, dẫn đến mất tem mác ban đầu, cũng như hình thức đóng gói lại mang tính thủ công dễ nhầm lẫn… Sau khi được hướng dẫn, nhắc nhở, cả phía người tiêu dùng và người kinh doanh đều nhận thức được hành vi an toàn trong mua, bán thực phẩm bảo đảm vệ sinh, cũng như chủ động kiểm soát chất lượng.

Các địa phương như Đồng Hỷ, Sông Công cũng tương tự, nhiều sản phẩm dù có đủ điều kiện lưu thông, nhưng chủ cơ sở đã tự ý thay đổi túi đựng, chia nhỏ sản phẩm. Cụ thể như các mặt hàng: Táo sấy khô, mứt dừa khô, kẹo… Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh: “Đây là một trong những nội dung mới, song song với hoạt động kiểm tra chuyên đề và kiểm tra hoạt động sản xuất, lưu thông. Mục đích chính là chỉ ra những hạn chế mà người tiêu dùng cần nắm rõ các quy định, quyền lợi khi tham gia mua thực phẩm. Mục tiêu chính của hoạt động kiểm tra, giám sát là hướng đến chủ động kiểm soát thực phẩm an toàn trong nhân dân. Khi nhu cầu tiêu thụ đòi hỏi kỹ về quyền lợi, chất lượng, chắc chắn nguồn cung sẽ phải tự điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy sẽ giảm thiểu các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả… lưu thông trên thị trường”.

Cũng trong đợt kiểm tra này, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn các cửa hàng, hộ kinh doanh về những điểm mới của Nghị đinh 15/NĐ-CP. Ví dụ, trước đây, sản phẩm sữa hay sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu ngoài kiểm tra an toàn thực phẩm (ngành Y tế quản lý) thì phải kiểm dịch động vật hoặc thực vật (do ngành Nông nghiệp quản lý). Nhưng sau khi Nghị định 15/NĐ-CP được ban hành, một sản phẩm sữa sẽ chỉ chịu quản lý của riêng ngành Nông nghiệp. Một cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều loại sản phẩm nhưng do nhiều bộ, ngành quản lý thì có quyền được lựa chọn cơ quan quản lý kiểm tra sản phẩm của mình, hoặc ngành Công Thương, ngành Y tế hoặc ngành Nông nghiệp bằng cách gửi bản đăng ký công bố chất lượng cho riêng cơ quan đó.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: