Bình yên nơi đảo xa

Cập nhật ngày: 03/02/2020 11:06 (Lượt xem: 967)
Dù ở nơi đầu sóng ngọn gió còn nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ nên đời sống của các hộ dân trên đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã dần ổn định. Qua đó, tình đoàn kết quân dân trên đảo càng thêm gắn bó, góp phần không nhỏ vào việc giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương…

Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa cùng gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đảo Trường Sa có diện tích rộng hàng chục héc ta, là một trong những đảo nổi có diện tích lớn của Quần đảo Trường Sa. Hiện, trên đảo có nhiều hộ dân sinh sống để đánh bắt cá tại Ngư trường Trường Sa. Ngoài ra, các hộ dân còn cùng với các lực lượng quân đội đóng quân ở đây bám đảo, bám biển để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tuy ở xa đất liền, nhưng các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân vẫn được cung cấp đầy đủ. Anh Phan Văn Thanh, một người dân sinh sống trên đảo Trường Sa cho biết: Khi quyết định rời đất liền (T.P Cam Ranh) ra đảo lập nghiệp, vợ chồng tôi cũng lo về nơi ở, việc làm, điều kiện học tập của các con. Nhưng khi ra sinh sống trên đảo, những lo ngại ấy đã không còn nữa, cuộc sống ban đầu hơi khó khăn nhưng cũng dần ổn định. Hàng ngày tôi đi biển đánh bắt tôm cá, còn vợ ở nhà đưa hai con đi học, trồng rau nuôi gà, vịt và nội chợ… 

Cạnh đó, gia đình anh Lâm Ngọc Vinh cũng đang tất bật chuẩn bị mâm cỗ để mời bà con làng xóm đến chung vui khi chị Lê Thị Phương Dung và 2 con trai trở lại đảo sau thời gian nghỉ phép. Anh Vinh chia sẻ: Vợ con về thăm đất liền, nay lại đảo nên tôi làm mâm cơm để mời bà con đến cùng vui với gia đình. ơ đây, bà con láng giềng coi nhau như anh em ruột thịt nên gia đình nào có công việc gì tất cả bà con đều có mặt. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, một người dân trên đảo cho biết: Cuộc sống ở đảo đã khác trước rất nhiều, trước đây nguồn nước ngọt không đủ sinh hoạt, nhưng giờ có thiết bị lọc nước biển thành nước lợ, có thể sự dụng được trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện, nguồn điện cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sóng điện thoại ổn định nên rất thuận tiện trong việc liên lạc với người thân ở đất liền. Bên cạnh đó, âu tàu đã được xây dựng nên tàu, thuyền đánh bắt của ngư dân vào đảo thuận tiện, việc gửi hàng từ đất liền ra và ngược lại thuận lợi hơn trước. 

Năm 2019, trên đảo  lại rộn rã thêm tiếng cười khi đón 2 thành viên mới. Đó là 2 em bé được sinh ra giữa hòn đảo cách đất liền hàng trăm hải lý. Giờ đây, trên đảo có 10 đứa trẻ hàng ngày nô đùa cùng sóng gió của biển cả. Vào buổi sáng, các em được bố mẹ chuẩn bị quần áo, sách vở, dau đó, những đứa trẻ lại ríu rít gọi nhau đi đến trường… Hòa trong tiếng sóng rì rào của biển là tiếng ê a đánh vần của các em học sinh. Lớp học có một thầy giáo và 7 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Thầy giáo Bành Hữu Tình, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ: Do số lượng học sinh ít lại phải dạy nhiều chương trình nên thời gian đầu tôi cũng gặp khó khăn. Nhưng rồi vừa dạy, tôi vừa nghiên cứu tìm hiểu nên không còn bỡ ngỡ và đã có phương pháp truyền đạt để học sinh ở các khối học khác nhau dễ hiểu nhất.

Thiếu tá Trần Văn Huân, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa thông tin: Thời gian qua,  được sự quân tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân trên đảo đã thay đổi rất nhiều. Các công trình, điện, trường, trạm được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu thực hiện vụ bảo vệ biển, đảo. Đối với người dân sinh sống trên đảo được sử dụng chung nguồn điện gió, vào mùa hè, các hộ dân được hỗ trợ dầu để chạy máy phát điện. Các hàng hóa, nhu yếu phẩm được hỗ trợ gửi qua tàu quân sự ra đảo. Ngoài ra, vào dịp Tết, ở mọi miền Tổ quốc cũng gửi nhiều phần quà đến người dân đang sinh sống trên đảo. Qua đó, đời sống của bà con ở đây đều ổn định. 

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/quoc-phong/binh-yen-noi-dao-xa-268833-46250.html
Các tin khác: