Cần thay đổi thói quen tích trữ thực phẩm

Cập nhật ngày: 15/02/2018 09:07 (Lượt xem: 955)
Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 đang đến gần, thu hút sức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết luôn tiềm ẩn, vì vậy cần có những biện pháp phòng ngừa từ chính người tiêu dùng.

Do mang tính chất thời vụ nên nhiều chủng loại thực phẩm được chế biến từ các cơ sở, cá nhân, các hộ gia đình thường không chuyên nghiệp, không đăng ký kinh doanh nên sản phẩm có nhiều nguy cơ không đảm bảo chất lượng ATVSTP.  Nhằm đảm bảo ATVSTP cho người dân, ngay từ đầu tháng 1-2018 (tháng 11, năm Đinh Dậu), Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các đoàn kiểm tra với sự tham gia của nhiều ban, ngành. Các đoàn sẽ đồng loạt ra quân, kiểm tra trọng điểm tại 9 địa phương (huyện, thành phố, thị xã), nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, là điểm nóng về VSATTP…

Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Trong dịp Tết, các loại thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp hàng chục lần ngày bình thường. Do vậy, có không ít hộ kinh doanh tự phát vì lợi nhuận đã tự sản xuất, kinh doanh, thậm chí làm giả, làm nhái sản phẩm không đảm bảo chất lượng đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.

Trong 5 đợt ra quân của Đoàn kiểm tra do Chi cục ATVSTP chủ trì tập trung tại địa bàn T.P Thái Nguyên, Sông Công từ ngày 20-1, đến 8-2, Đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm và đã kịp thời ngăn chặn gần 200 hành vi vi phạm. Mặc dù chưa đến mức độ xử lý hành chính, nhưng Đoàn đã cảnh cáo và giao cho chính quyền địa phương theo dõi, chấn chỉnh. Điều đáng nói là các hộ chế biến, kinh doanh đều tự phát chế biến thực phẩm như nem chua, giò tai, nộm, thịt hun khói... mà không rõ nguồn gốc nguyên liệu. Có một số hộ thấy thịt lợn rẻ đã mua về chế biến thành các sản phẩm ăn sẵn (thịt nướng, lạp sườn, giò) mà không biết quy trình chăn nuôi hoặc xuất xứ. Sau khi chế biến, các cơ quan chức năng khó có thể kiểm định theo hình thức xét nghiệm Test nhanh. Các sản phẩm này tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, hoặc có chứa các dư lượng độc tố biến thể sang nhiều trạng thái khác, khi người sử dụng nhiễm, cơ sở y tế rất khó chẩn đoán và tiên lượng tình trạng bệnh cũng như mức độ ngộ độc.

Bác sĩ Đàm Văn Bút, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP khuyến cáo: “Người dân đừng coi chiếc tủ lạnh là một "bảo bối" vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Nhiều gia đình lấy thức ăn trong tủ lạnh ra dùng không hết lại cất vào đó bảo quản. Thực phẩm để ra ngoài dễ nhiễm khuẩn, có những vi khuẩn tiếp xúc môi trường lạnh còn nguy hại hơn”.

Được biết, ngay trong tháng 1 năm 2018, Chi cục ATVSTP đã tiến hành khuyến cáo đến các siêu thị, nơi tích trữ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống chỉ nên tăng cường lượng hàng ở mức độ hết ngày nào nhập ngày đó, không để lưu trữ cấp đông dài ngày. Đồng thời các nhà vườn, vùng rau an toàn, vùng chăn nuôi thủy sản cũng được khuyến cáo kéo dài chu kỳ xuất bán ra thị trường, vừa đảm bảo chất lượng thực phẩm, vừa giữ được giá mà không bị quá tải cục bộ những ngày giáp Tết.

Tại khu vực Chợ Thái, chị Phạm Thị Lan, hộ kinh doanh cá cho biết: “Năm nay gia đình tôi đã nhập hơn 1 tấn cá tươi, nhưng gửi luôn tại các bể nuôi dưỡng, cấp ô xi của các trang trại để bán dần cho hết tháng Giêng. Mồng 2 Tết là gia đình đã có cá tươi bán và phục vụ các nhà hàng trong lễ hội của tháng Giêng”. Còn ông Hoàng Văn Hòa, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Bình Thuận (Đại Từ) khẳng định: “Là vùng chuyên canh rau, nên mùa nào chúng tôi cũng có rau xanh an toàn. Kinh nghiệm hơn 30 năm làm rau cho thấy: Cứ phân nhóm hộ gieo trồng tuần tự trải dài trong khung thời vụ thì lúc nào cũng có rau bán và lại được giá. Nếu dồn đúng một thời điểm thì người làm vừa vất vả, vừa dễ bị ế. Với 3ha rau an toàn, chúng tôi bảo đảm cung ứng đủ trong dịp Tết và lễ hội Xuân. Còn gia đình ông Tô Công Minh, chủ mô hình vườn rau an toàn (rau sạch) xóm Đồng Niêng xã Động Đạt (Phú Lương) chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 600m2 đất làm rau, nhưng qua 4 năm làm theo mô hình rau an toàn, thì chúng tôi nhận thấy, cứ làm đúng quy trình thì thu nhập ổn định. Dịp Tết có thể rau đắt hơn ngày thường chút,nhưng không thể thúc, ép để tăng sản lượng, chạy theo lợi nhuận, như vậy mệt mỏi, mà lứa rau sau sẽ chịu ảnh hưởng không tốt, đất nhanh bạc màu, công sức đầu tư lớn hơn. Cứ thu hoạch luân phiên theo từng tuần, bảo đảm thu đạt giá trị thu nhập 80 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, mồng 2 Tết là gia đình đã có rau bán”.

Như vậy có thể thấy thực phẩm không an toàn đưa ra thị trường chủ yếu thuộc nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ và không chuyên. Tuy nhiên, thói quen tích trữ và hành vi mua sắm tùy tiện của người tiêu dùng chính là cơ hội và môi trường cho thực phẩm không an toàn phát triển. Điều này rất cần ý thức tự phòng vệ của mỗi hộ gia đình.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: