"Cầu nối" thị trường lao động thời giãn cách

Cập nhật ngày: 15/09/2021 03:21 (Lượt xem: 963)
Giãn cách xã hội , không tập trung đông người đồng nghĩa với việc không thể tổ chức các ngày hội và phiên giao dịch việc làm truyền thống. Nhưng nhu cầu của nhà tuyển dụng và người lao động (NLĐ) không thể dừng. Đáp ứng thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Nhiều người lao động được các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tuyển dụng qua giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH KSD Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, Phú Bình) trong giờ làm việc.

 

Tại Trung tâm, ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường cho biết: Từ hơn 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp và NLĐ đã thích ứng với giao dịch việc làm trực tuyến. Tiện ích của trực tuyến giúp cả 2 phía cùng tiết kiệm được thời gian, chi phí, thủ tục nhanh gọn; giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc trao đổi cởi mở, rõ ràng. NLĐ có thể trực tiếp đề xuất mức lương theo trình độ, năng lực; doanh nghiệp tuyển dụng được ứng viên đáp ứng đúng vị trí việc làm.

Trong điều kiện xã hội hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh, việc kết nối thị trường lao động của Trung tâm gặp không ít khó khăn. Nhất là khi ở thời điểm này có khá nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, thậm chí là ngừng hẳn hoạt động.

Kéo theo đó là NLĐ không có việc làm, bị thất nghiệp, phải tìm công việc làm mới. Ngoài ra có các nguyên do trực tiếp ảnh hưởng tới cân bằng thị trường lao động như trình độ tay nghề, năng lực thực tế của NLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Ngược lại, có không ít nhà tuyển dụng chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với NLĐ. Dẫn đến xu hướng NLĐ bỏ việc để tìm đến nơi khác có chế độ đãi ngộ cao hơn. Hệ lụy là không ít doanh nghiệp luôn “khát” nhân công.

Để góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, Trung tâm đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, chủ động đầu tư nâng cấp công nghệ như hệ thống máy vi tính, đường truyền dẫn phục vụ cho giao lưu trực tuyến.

Đội ngũ cán bộ, viên chức có ý thức tự học, tự nghiên cứu thêm kỹ năng sử dụng công nghệ, xây dựng môi trường giao dịch văn minh, xử lý nhanh các trục trặc kỹ thuật liên quan đến mạng nội bộ, bảo đảm kết nối thông suốt cho các cuộc giao dịch giữa nhà tuyển dụng và NLĐ.

Nhằm giúp nhà tuyển dụng và NLĐ nắm bắt đầy đủ thông tin cần thiết về thị trường lao động, Trung tâm thường xuyên tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu việc làm của NLĐ.

Trong 8 tháng đầu năm, Trung tâm đã thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của gần 200 doanh nghiệp; đồng thời khảo sát nhu cầu việc làm tại các huyện, thành phố, thị xã và một số trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghệp và dạy nghề.

Nhiều doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm để đăng tải thông tin về năng lực tài chính, vị trí việc làm và mức lương cho từng vị trí việc làm... Từ công khai, thông tin rõ ràng, NLĐ dễ dàng tìm hiểu, quyết định nộp hồ sơ dự tuyển và gắn bó với doanh nghiệp…

Những cách làm này không chỉ bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh mà còn nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm, phát huy được vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và NLĐ.

Các đơn vị thường xuyên kết nối trực tuyến phiên giao dịch việc làm qua Trung tâm và hầu hết các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động đều đánh giá cao chất lượng tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm. Nhờ đó, họ tuyển dụng được hàng nghìn lao động mà không phải trực tiếp về các địa phương.

Với quan điểm mở rộng hợp tác, cùng phát triển, Trung tâm đã chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh để tham gia với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… tổ chức những ngày hội việc làm trực tuyến, thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham gia/ngày hội, với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 30.000 vị trí việc làm, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và may mặc.

Qua đó, nhiều doanh nghiệp Thái Nguyên đã tuyển dụng được lao động ngoài tỉnh; đồng thời, NLĐ Thái Nguyên cũng có thêm cơ hội lựa chọn việc làm ở các tỉnh khác.

Hạn chế tiếp xúc gần song giữa nhà tuyển dụng và NLĐ không bị ngăn cách. Một giải pháp giới thiệu việc làm phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và đáp ứng nhu cầu cho “Người tìm việc, việc tìm người”.

Trước màn hình máy vi tính, hoặc bằng điện thoại thông minh, qua Trung tâm NLĐ có thể nắm bắt được đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và ngược lại. Những cuộc trao đổi, phỏng vấn giữa nhà tuyển dụng và NLĐ qua hình thức trực tuyến do Trung tâm kết nối được tổ chức vào giờ hành chính hằng ngày. “Nhất cử lưỡng tiện”, Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lao động dồi dào, còn NLĐ không phải trực tiếp gặp nhà tuyển dụng. Bằng hình thức trực tuyến, Trung tâm phát huy được vai trò “cầu nối” trong thị trường lao động, cân bằng về cung - cầu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh xã hội hạn chế tập trung đông người.

 
https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/cau-noi-thi-truong-lao-dong-thoi-gian-cach-290968-85.html
Các tin khác: