Cây quế đổi thay kinh tế lâm nghiệp ở vùng cao Võ Nhai

Cập nhật ngày: 22/03/2023 09:28 (Lượt xem: 961)
Với ưu điểm cho thu hoạch tỉa thưa trong thời gian ngắn và đặc biệt là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cây quế được xác định là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển lâm nghiệp tại huyện vùng cao Võ Nhai. Địa phương này cũng đang thực hiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng quế trên địa bàn, với mục tiêu đạt 1.000ha vào năm 2030.

Anh Triệu Tiến Quý (bên trái) là người đầu tiên trồng quế và khai thác kinh tế từ cây trồng này trên đất Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai).

Mang lại nguồn thu nhập lớn

Anh Triệu Tiến Quý là người đầu tiên trồng quế và khai thác kinh tế từ cây trồng này trên đất Khe Rạc - một xóm vùng cao có địa hình chủ yếu đồi núi ở xã Vũ Chấn (Võ Nhai). Khởi đầu với hơn 0,5ha rừng quế, trong 9 năm, anh Quý đã khai thác dần và thu về số tiền lên tới gần 190 triệu đồng. Trong đó có trên 40 triệu đồng từ khai thác tỉa thưa năm 2019 và trên 140 triệu đồng từ khai thác toàn bộ năm 2021.

Anh Quý chia sẻ: Cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác ở địa phương. Bởi đây là cây trồng có thể thu được thành phẩm từ vỏ cây, thân gỗ và cả lá. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển được trên 13ha, với hơn 60.000 cây quế, hứa hẹn cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng mỗi năm.

Qua hơn 10 năm xuất hiện tại đất Khe Rạc, những mô hình trồng quế đầu tiên trong xóm (triển khai từ giai đoạn 2012-2015) như của anh Quý đã thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi cây trồng của bà con nơi đây sang trồng quế. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, Khe Rạc đã có thêm gần 40 hộ chuyển đổi đất đồi trồng keo lai, khoai thơm sang trồng quế, nâng tổng số hộ trồng quế trong xóm lên gần 60 hộ, với tổng diện tích trên 100ha.

Theo tính toán của người trồng quế trên địa bàn, chu kỳ từ khi trồng đến lúc khai thác trắng kéo dài từ 9-15 năm, cây quế đạt đường kính đầu nhỏ khoảng 15-30cm (đạt tiêu chuẩn gỗ lớn). Loại cây trồng này có lợi thế là ngoài bán vỏ thì phần lá, cành, ngọn cũng được thu mua để chiết xuất tinh dầu và thân cây làm gỗ. Mỗi cây quế khoảng 9 năm tuổi sau khi khai thác trắng có thể đạt giá trị 300-400 nghìn đồng/cây. Cây khai thác trắng sau 12 năm tuổi có thể đạt giá trị 1,5-2 triệu đồng/cây và sau 20 năm tuổi trở lên có thể đạt 3-4 triệu đồng/cây.

Ông Triệu Tiến Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, thông tin: Theo tính toán, trên cùng diện tích, cây quế có thể cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 đến 5 lần so với cây keo. Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất rừng kém hiệu quả sang trồng quế.

Bắt đầu trồng từ năm 2020, đến nay, gia đình anh Nông Thanh Oai, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Sảng Mộc, đã có gần 12ha quế.

Hỗ trợ người dân mở rộng diện tích

Huyện Võ Nhai hiện có gần 62.700ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có gần 20.000ha rừng đặc dụng, 24.900ha rừng sản xuất và trên 17.900ha rừng phòng hộ. Mỗi năm, toàn huyện trồng mới trung bình 500-800ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo trồng theo chu kỳ khai thác 5-6 năm.

Từ năm 2021, huyện đã triển khai Dự án phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, địa phương tập trung hỗ trợ bà con nhân dân về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt trên 500ha và đến năm 2030 đạt trên 1.000ha.

Tính riêng năm 2021, huyện đã hỗ trợ người dân trồng mới 97,5ha quế; năm 2022 hỗ trợ triển khai trồng mới 145ha, chiếm 25% trong tổng diện tích trồng rừng tập trung của toàn huyện (579ha). Trong đó, theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên, bà con được hỗ trợ cây giống trồng mới 95ha quế, với tổng kinh phí 475 triệu đồng; Dự án phát triển cây dược liệu huyện Võ Nhai hỗ trợ giống giúp người dân trồng 50ha, với tổng kinh phí 285 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã có trên 300ha trồng quế.

Bắt đầu trồng từ năm 2020, đến nay, gia đình anh Nông Thanh Oai, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Sảng Mộc (xã Sảng Mộc) đã có gần 12ha rừng quế. Trong đó, hơn 5ha được sự hỗ trợ của huyện về giống theo Dự án phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Oai bộc bạch: Qua lấy mẫu phân tích, thành phẩm quế tại địa phương có hàm lượng tinh dầu khá cao, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế lớn cho bà con. Vì vậy, tôi đã vận động gần 40 thành viên Hợp tác xã và tranh thủ sự hỗ trợ của huyện để trồng quế, thay thế diện tích rừng có giá trị kinh tế thấp.

Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Võ Nhai sẽ triển khai hỗ trợ người dân trồng mới 100ha quế tại vùng sản xuất tập trung trên địa bàn một số xã vùng trọng điểm, như Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường, Thượng Nung.

Ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai, cho biết: Hiện nay, diện tích trồng quế trên địa bàn huyện còn phân tán, manh mún, chất lượng cây trồng chưa đồng đều, kỹ thuật chăm sóc của người dân còn hạn chế… Vì vậy, việc phát triển, mở rộng diện tích trồng quế trên địa bàn huyện thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Qua đó vừa mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con giảm nghèo bền vững, vừa có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo đa dạng sinh học.

https://baothainguyen.vn/kinh-te/202303/cay-que-doi-thay-kinh-te-lam-nghiep-o-vung-cao-vo-nhai-3d256a8/
Các tin khác: