Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thanh niên xung phong làm nên trang sử vàng

Cập nhật ngày: 04/05/2019 04:43 (Lượt xem: 1094)
Trải qua 56 ngày đêm gian khổ, lực lượng thanh niên xung phong - một đội quân đặc biệt, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thanh niên xung phong phá đá, mở rộng đường qua núi. (Ảnh: Bùi Tấn/TTXVN)

Dòng chảy thời gian có thể cuốn theo dấu vết chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của dân tộc Việt Nam về những chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc.

Trong những chiến thắng vang dội đó có công đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên xung phong - một trong những nhân tố góp phần làm nên “trang sử vàng” trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Một lực lượng anh hùng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua 56 ngày đêm gian khổ, lực lượng thanh niên xung phong - một đội quân đặc biệt, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong khí thế sôi sục và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “tất cả cho tiền tuyến,” “tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng, "hàng vạn người dân đã hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch, trở thành lực lượng thanh niên xung phong.

Họ là những thanh niên còn rất trẻ, là những cô gái ở độ tuổi trăng tròn, rất hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Họ hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường (phổ thông, trung học, đại học), hoặc đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp...

Và với gần 20.000 thanh niên xung phong tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ, họ đã trở thành lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, tham gia trực tiếp các nhiệm vụ quan trọng như: mở đường, chỉ dẫn đường cho bộ đội hành quân chiến đấu; rà phá bom các loại, san lấp hố bom với hàng chục nghìn m3 đất, đá... ngày đêm đảm bảo cho giao thông thông suốt; vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí...

Trong mưa bom, bão đạn, cùng khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc, lực lượng thanh niên xung phong đã sáng tạo ra biết bao phương thức độc đáo để “xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua, rà phá bom mìn và các vật cản đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương.”

Ngoài bộ phận lớn phục vụ ở tuyến giữa, thanh niên xung phong còn cử một bộ phận ở hỏa tuyến như tải đạn, khiêng thương binh, trông giữ tù binh, làm giao thông liên lạc từ trung tuyến đến hỏa tuyến.

Sau khi các trận đánh kết thúc, các đội viên thanh niên xung phong lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, giải quyết công tác thương binh, tử sỹ...

Đặc biệt, khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, lực lượng thanh niên xung phong đã bổ sung cho quân đội 8.000 quân trực tiếp chiến đấu.

Quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, lực lượng thanh niên xung phong được trải dài trên các tuyến: Đội 38 với quân số khoảng 3.000 người bảo đảm giao thông ở vùng Lạng Sơn; Đội 36 với quân số 3.000 người phục vụ trong căn cứ địa Việt Bắc; Đội 34 với quân số 3.000 người phục vụ trực tiếp mặt trận Điện Biên Phủ; Đội 40 theo yêu cầu của mặt trận Điện Biên Phủ đã gấp rút được thành lập để phục vụ chiến dịch.

Chien thang Dien Bien Phu: Thanh nien xung phong lam nen trang su vang hinh anh 2
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN)

 

Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc đảm bảo giao thông - "mạch máu" của chiến dịch - được thông suốt có ý nghĩa góp phần quyết định thắng lợi.

Bởi vậy, hai Đội 34 và 40 của lực lượng thanh niên xung phong đã bố trí quân dọc suốt chặng đường dài khoảng 300km từ Mộc Châu đến Điện Biên Phủ với nhiệm vụ quan trọng nhất là mở đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Với khẩu hiệu “thanh niên xung phong có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc,” “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”… nên cứ sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom xuống phá đường, anh em trong đội thanh niên xung phong quyết tâm thông đường sau hai tiếng đồng hồ.

Còn các tổ quan sát ngồi trên cây đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi xuống cắm tiêu vào những chỗ có bom chưa nổ, để đội phá bom đến phá...

Trong suốt những ngày “mưa dầm, cơm vắt,” anh em trong các đội thanh niên xung phong ngày đêm chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút.

Vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục đường, bằng mọi biện pháp để thông xe đưa hàng ra mặt trận...

Đặc biệt, phá bom bươm bướm là một điển hình của thanh niên xung phong trong công tác bảo vệ đường, bảo đảm giao thông.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong cùng bộ đội, dân công đã sửa chữa và mở rộng 3.300km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông tại 60 bến phà.

Trên những “chảo lửa” ngày đó, nhiều hôm, trận bom này vừa dứt, anh em đang phá bom, lấp đường thì địch đến thả tiếp đợt khác, lực lượng thanh niên xung phong bị tổn thất rất nhiều.

Đã có hơn 300 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trên mặt trận giao thông này.

Dẫu đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nhưng những cống hiến hết sức mình, với tất cả lòng nhiệt huyết, thấm đượm mồ hôi, nước mắt, xương máu của lực lượng thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm thức nhiều người, được thế giới ca ngợi, dân tộc Việt Nam tôn vinh, ghi nhận.

Những chiến tích mà họ lập nên trong Chiến dịch ấy trở thành kỳ tích vẻ vang, tô đẹp thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thời đại Hồ Chí Minh.

Với những chiến công và thành tích xuất sắc đó, Thanh niên xung phong đã được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Để tôn vinh những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, tỉnh Sơn La đã xây dựng tượng đài thanh niên xung phong Ðiện Biên Phủ ở ngã ba Cò Nòi; tỉnh Lai Châu xây dựng nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong ở Sìn Hồ... Đến nay, những nơi này trở thành “địa chỉ đỏ” nuôi dưỡng tinh thần dân tộc./.

Theo Vietnam+
Các tin khác: