Chủ động kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết

Cập nhật ngày: 24/12/2018 03:12 (Lượt xem: 966)
Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa của người dân tăng cao. Đây là thời điểm hoạt động kinh doanh, sản xuất tăng, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đến sức khỏe người dân. Để chủ động kiểm soát an toàn, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm tại các siêu thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên.

 

P.V: Xin ông cho biết những nguy cơ về ATTP trong dịp Tết ?

Ông Lý Văn Cảnh: Vào dịp cuối năm, nhiều loại thực phẩm được sản xuất, chế biến và nhập khẩu. Ở tỉnh ta, điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được các ngành, các địa phương quản lý tốt. Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ban đầu để  đạt yêu cầu về VSATTP theo quy định còn thấp; các quy định của pháp luật chưa được triển khai thực hiện triệt để. Hiện nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (SXKDTP) được cấp giấy phép đủ điều kiện VSATTP theo quy định pháp luật đạt khoảng 90% tổng số cơ sở thực phẩm phải cấp giấy hiện có. Ðiều đó, có nghĩa là còn >10  số các cơ sở SXKDTP đang hoạt động chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện VSATTP. Theo quy định mới của Chính phủ các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ ban đầu, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố… không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà các cơ sở phải tự chịu trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó là các nguy cơ hàng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu cũng gia tăng vào dịp Tết.

Nguy cơ các thực phẩm ô nhiễm cũng tăng lên vào dịp Tết: Ô nhiễm chất bảo vệ thực phẩm, chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, kháng sinh, hormon và các vi sinh vật, ký sinh trùng. Nhất là các bệnh lây từ động vật (gia súc, gia cầm) sang người như bệnh bò điên (BSE), bệnh cúm gia cầm (H5N1), bệnh lở mồm long móng, các bệnh do vi khuẩn, virus, bệnh giun, sán...

Vào dịp Tết, do thói quen tích trữ điều kiện bảo quản không tốt dễ gây nên tình trạng thực phẩm bị biến chất, tạo ra các chất độc hại. Vào dịp này, các lễ hội cũng được các địa phương tổ chức, từ người chế biến, kinh doanh đến người tiêu dùng thực phẩm đều rất hạn chế về vệ sinh cá nhân, cho nên nguy cơ bị ngộ độ và các bệnh truyền qua thực phẩm rất dễ xảy ra.

P.V: Năm 2018, Chính phủ đã ban hành một một số nghị định nhằm tăng cường bảo đảm ATVSTP, xin ông cho biết việc thực thi các quy định này như thế nào?

Ông Lý Văn Cảnh: Chính phủ rất quan tâm công tác ATVSTP. Cho đến nay, có thể nói các quy định pháp luật về ATTP cơ bản đã được ban hành tương đối đủ để có thể kiểm soát từ "Trang trại đến bàn ăn". Song do các nghị định Chính phủ mới được ban hành, bổ sung, bãi bỏ, thay thế các quy định cũ… nên việc triển khai các quy định này chưa được triệt để, mức độ chấp hành các quy đinh pháp luật về ATVSTP còn hạn chế, nhất là ý thức của người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh còn chưa cao. Mặt khác, một số chính quyền cơ sở, khu dân cư… còn bị buông lỏng, thiếu quan tâm chỉ đạo nên chưa có sự chuyển biến cơ bản về ATVSTP.

Ví dụ thực hiện Nghị định số15/NĐ-CP đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm ở Việt Nam. Trong đó, có 11 nội dung gần như thay đổi; thay đổi từ phương thức công bố đến phương thức đăng ký tự công bố, đến kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, điều kiện vệ sinh, quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP là trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu như quy định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm và tự đang trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó.

Hoặc Nghị đinh số 115/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. Ngoài việc tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm, nghị định mới bổ sung nhiều hành vi bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, tiêu hủy thực phẩm, thu hồi thực phẩm, chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn… Theo đó có mức xử phạt lên đên hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta mới tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; lấy ý thức, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm thay đổi hành vi người sản xuất, kinh doanh.

Ngay sau khi Nghi định số 15/2018/NĐ-CP và Nghị định số 115/NĐ-CP ban hành UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo cho các ngành, các địa phương triển khai thực hiện.

Có thể nói các ngành, các địa phương với chức năng nhiệm vụ của mình đã đang rất tích cực triển khai việc tăng cường quản lý bảo đảm ATVSTP và coi việc kiểm soát ATVSTP không chỉ là vấn đề bảo vệ sức khỏe con người mà còn là động lực, mục tiêu phát triển xã hội trong tương lai .

P.V: Ðể bảo đảm ATVSTP cho Tết này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã làm gì, thưa ông?

Ông Lý Văn Cảnh: Ðể bảo đảm ATTP cho Tết, ba tháng trước Tết, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có công văn hướng dẫn các địa phương có kế hoạch triển khai chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức và chiến dịch kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất thực phẩm. Hai tháng trước Tết tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở nhập khẩu thực phẩm và một tháng đến Tết tăng cường kiểm tra việc lưu thông thực phẩm trên thị trường. Các ngành đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra từ tỉnh đến cơ sở và đã phát hiện, ngăn chặn được rất nhiều vụ vi phạm về ATTP, đặc biệt các vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu. Qua kiểm tra cho thấy: Bước đầu nhân dân đã có thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Người mua thực phẩm đã tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc thực phẩm, thời gian sản xuất, quy trình, chất lượng.... Gần  một năm, Chi cục ATVSTP đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATVSTP đến hàng chục nghìn người dân, chủ yếu là cán bộ cơ sở, lãnh đạo cấp xã, phường và các trường học. Đây chính là biện pháp chủ động kiểm soát chủ động và hiệu quả nhất để xã hội tự bài trừ, “nói không” với thực phẩm không an toàn.

P.V: Trong khi ở tỉnh ta chưa có một thị trường thực phẩm an toàn tuyệt đối cho người dân, ông có khuyến cáo  gì cho người tiêu dùng?

Ông Lý Văn Cảnh: Mỗi người tiêu dùng cần phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái. Biết cách chọn mua thực phẩm an toàn (biết chọn mua rau quả, thịt, cá, các sản phẩm bao gói...); biết chọn các dịch vụ thực phẩm an toàn (chỉ sử dụng các dịch vụ của các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện VSATTP) và biết đấu tranh phát hiện các hành vi sai phạm về ATTP cũng như có trách nhiệm tuyên truyền, vận động những người chung quanh cùng hưởng ứng các hoạt động vì ATVSTP. Người tiêu dùng thông thái vừa là tuyên truyền viên, vừa là giám sát viên về ATTP. 

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: