Cuộc sống bình thường của người Việt Nam là mơ ước của nhiều nước

Cập nhật ngày: 15/06/2020 04:20 (Lượt xem: 987)
Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia/vùng lãnh thổ về số ca nhiễm và là 1 trong 30 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa có người tử vong vì COVID-19, trong khi dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới.

Trong bối cảnh bình thường mới, du khách đến với Hội An được tham quan miễn phí tất cả điểm du lịch trên địa bàn. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trẻ em được hân hoan tới trường, người dân khắp nơi tất bật với công việc, hàng quán được mở lại, phố xá đông đúc… Có thể nói, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cuộc sống của mọi người dân đã trở về bình thường.

Hôm nay (15/6) là tròn hai tháng Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cuộc sống bình thường của người Việt Nam hiện nay là mơ ước của rất nhiều nước trên thế giới khi họ vẫn đang phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

2 tháng không COVID trong cộng đồng

Theo thống kê của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cũng trong khoảng thời gian gần 60 ngày này, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng, từ khoảng 2 triệu người lên gần 8 triệu người, số ca tử vong từ 135.000 lên hơn 433.000 người.

Trên thế giới đã có 16 nước ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm; 59 nước có trên 10.000 ca nhiễm; 122 nước có trên 1.000 ca nhiễm.

Việt Nam hiện đứng thứ 156/215 quốc gia/vùng lãnh thổ về số ca nhiễm và là 1 trong 30 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa có người tử vong vì COVID-19, trong khi dân số của Việt Nam là gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới.
Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người Việt Nam hiện nay là mơ ước của nhiều nước trên thế giới.”

Theo Phó Thủ tướng: “Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời.”

Ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế, từ tháng 12/2019, tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản theo đúng nguyên lý đã được đúc kết kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đây.

Cuoc song binh thuong cua nguoi Viet Nam la mo uoc cua nhieu nuoc hinh anh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Điển hình như khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mức độ căn bệnh này lây nhiễm hạn chế, chúng ta đã nâng lên mức lây nhiễm.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Các tổ chức, bạn bè quốc tế sau này đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và có hiệu quả kinh tế cao nhất bởi tổng chi phí cho chống dịch đến ngày hôm nay là rất thấp so với nhiều nước.

"Cân não" cứu chữa bệnh nhân nặng

Đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở Việt Nam là 323/334 bệnh nhân (chiếm 97% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam). Trong đó, 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).

Trong số 334 bệnh nhân, đã có 323 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Ước tính thời gian điều trị trung bình của những bệnh nhân ra viện là khoảng hơn 20 ngày.

Hiện nay còn 11 bệnh nhân COVID-19 còn lại đang được điều trị tại 6 cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có nhiều bệnh nhân với 3 trường hợp, đa số có sức khỏe ổn định.

Thời gian qua, sự hồi sinh của bệnh nhân 19 và bệnh nhân 91 được coi là những kỳ tích chứng minh cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam bằng sự tâm huyết và sự vững vàng về chuyên môn đã đưa bệnh nhân từ cửa tử trở lại cuộc sống bình thường.

Cuoc song binh thuong cua nguoi Viet Nam la mo uoc cua nhieu nuoc hinh anh 2
Bệnh nhân 19 trong ngày xuất viện trở về nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hai bệnh nhân trên có những lúc tưởng chừng sự sống rơi vào tuyệt vọng. Bệnh nhân 19 có nhiều tình huống rơi vào thập tử nhất sinh, bà rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, đặc biệt xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Bệnh nhân phải lọc máu liên tục và đã có ba lần ngừng tim, có lần bệnh nhân ngưng tim tới 40 phút.

Ngày 3/6, bệnh 19 cười tươi và nói những lời cảm ơn tự đáy lòng tới các y bác sỹ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khi chính thức được xuất viện với tình trạng sức khỏe đã ổn, bà đáp máy bay từ Hà Nội về nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Với bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh (43 tuổi) từ chỗ vùng phổi hoạt động được chỉ còn 10%, đến nay tỉ lệ thông khí phổi của bệnh này đã tăng lên gần 60% và bệnh nhân đã cai thở máy được 48 giờ, tự thở với oxy 2 lít/phút, thở chậm hơn. Sức cơ hô hấp có cải thiện, ho khạc đàm mạnh...

Với các bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91, đây có lẽ là ca bệnh "cân não" nhất khi diễn biến về sức khoẻ của bệnh nhân này không chỉ được Việt Nam mà cả thế giới quan tâm theo dõi.

Nam bệnh nhân đã trải qua gần 90 ngày điều trị tại bệnh viện. Sau 1 tuần cai ECMO, sức khỏe bệnh nhân 91 đã tốt lên từng ngày và tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu. Về dinh dưỡng, các bác sĩ cho ăn qua đường tiêu hoá và bệnh nhân dung nạp. Bệnh nhân đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống.

Cuoc song binh thuong cua nguoi Viet Nam la mo uoc cua nhieu nuoc hinh anh 3
Các bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân 91 ở thời điểm vẫn còn nguy kịch. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Mặc dù có những tiến triển vậy, tuy nhiên Tiểu ban Điều trị cũng cho rằng, nam phi công vẫn cần nhiều tuần để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình phục hồi có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thừa nhận các y bác sỹ đã có những lúc bi quan, nhưng giờ đây những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân 91 như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc. Thành công trong điều trị của bệnh nhân 91 chính từ sự phối hợp, sự tư vấn, trao đổi chuyên môn trong điều trị của Hội đồng chuyên môn, của Tiểu ban điều trị đồng thời là sự nỗ lực, cố gắng, tận tuỵ của các y bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc huy động lực lượng tinh tuý nhất về tri thức, phương tiện, trang thiết bị phục vụ điều trị.

Nói về tình hình dịch thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nguy cơ vẫn còn rất lớn, Việt Nam như 'một cánh đồng trũng' nước ở ngoài sông cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa. Chúng ta buộc phải giữ thật chặt nhưng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn”./.

https://www.vietnamplus.vn/cuoc-song-binh-thuong-cua-nguoi-viet-nam-la-mo-uoc-cua-nhieu-nuoc/645615.vnp
Các tin khác: