Đa dạng các giải pháp giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 19/12/2018 08:20 (Lượt xem: 967)
Với việc thực hiện đồng bộ, đa dạng nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, những năm qua, công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Định Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đều giảm bình quân trên 4%. Đặc biệt, năm 2018, toàn huyện giảm gần 7% tỷ lệ hộ nghèo (từ 21,32% xuống còn 14,37%) và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất tỉnh.

Năm 2018, gia đình ông Lường Ngọc Ước, dân tộc Tày, xóm Sơn Vinh 1, xã Sơn Phú đã vươn lên thoát nghèo.

 

Do không có tư liệu sản xuất nên cái nghèo suốt nhiều năm qua cứ mãi đeo bám gia đình ông Lường Ngọc Ước, dân tộc Tày, xóm Sơn Vinh 1, xã Sơn Phú (Định Hóa). Năm 2016, thực hiện Chương trình Nhân rộng mô hình giảm nghèo của huyện, gia đình ông được hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá gần 20 triệu đồng để chăn nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, bò mẹ đã sinh sản được 1 con bê con và hiện nay đang tiếp tục mang thai lứa thứ 2. Con bê đầu lòng, gia đình ông bán được hơn 10 triệu đồng, số tiền này ông sử dụng một phần để trang trải cuộc sống, phần còn lại ông tiếp tục đầu tư chăn nuôi thêm 5 con lợn thịt. Nhờ có vốn làm ăn cộng với sự cần cù, chăm chỉ, cuối năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lường Ngọc Ước phấn khởi cho biết: Không chỉ được hỗ trợ bò giống, tôi còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ; làm chuồng trại; phương pháp phòng, điều trị bệnh và phối giống cho bò... Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo sự hướng dân của cán bộ khuyến nông nên con bò của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh. Từ khi được hỗ trợ bò giống đến nay, kinh tế gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể.

Cùng với gia đình anh Lường Ngọc Ước, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Định Hóa đã có trên 3.500 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất từ các chương trình, dự án giảm nghèo của huyện để phát triển kinh tế. Với phương châm trao cho người nghèo “chiếc cần câu” thay vì “con cá”, thời gian qua, huyện Định Hóa đã tập trung hỗ trợ bà con các loại cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc thiết bị sản xuất… đồng thời, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất để các hộ nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, huyện Định Hóa còn đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện các chính sách dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế… Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 400 lao động nông thôn với các ngành nghề như: Điện tử, điện lạnh, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y…

Đối tượng được đào tạo nghề chủ yếu là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và dân tộc thiểu số. Sau khi được đào tạo nghề, hầu hết người lao động đều được giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc mang kiến thức được đào tạo về áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình.

Để giúp các lao động nghèo sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định, từ năm 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và các Công ty phụ trợ SEVT thu hút và tuyển dụng trên 1.000 lao động nghèo và cận nghèo vào làm việc trong các khu công nghiệp với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Chị Ma Thị Lương, xóm Đồng Chăn, xã Phú Đình là một trong những lao động nghèo được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên cuối năm 2017, cho biết: Mỗi tháng, tôi được Công ty trả lương trên 6,5 triệu đồng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ ở ký túc xá, có xe đưa đón và phụ cấp 500 nghìn đồng/tháng. Nhờ đó mà đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân dân đến cái nghèo ở nông thôn chủ yếu vẫn là thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, chính vì vậy, thời gian qua, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tạo mọi điều kiện cho các gia đình hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn huyện đã có 1.285 lượt hộ nghèo và 1.213 lượt hộ cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng tiền gần 260 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, đã có trên 700 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo trong năm 2018. 

Bên cạnh những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo nói trên, thời gian qua, huyện Định Hóa còn quan tâm, tiến hành triển khai đồng bộ nhóm giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như các chính sách về y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý… Theo đó, hiện nay, toàn huyện có 1.637 người nghèo và 1.654 người cận nghèo được cấp bảo hiểm y tế; 28.294 em học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí; 4.889 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng…

Bà Trần Thị Bính, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Định Hoá cho biết: Mặc dù công tác giảm nghèo của huyện thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay, toàn huyện vẫn còn 3.792 hộ nghèo (chiếm 14,37%) và 4.460 hộ cận nghèo (chiếm 16,9%). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 10%, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: