Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Những mốc son đáng tự hào

Cập nhật ngày: 28/09/2021 04:03 (Lượt xem: 984)
Thực tiễn đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Đối với tỉnh Thái Nguyên, sự ra đời tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh vào năm 1936 tại xã La Bằng (Đại Từ) đánh dấu một mốc lịch sử trong phong trào cách mạng. Từ đó góp phần quan trọng vào việc tập hợp, động viên quần chúng tham gia các hoạt động cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 13-10-2020. Ảnh T.L

 

Thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; là nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II (năm 1941), nơi hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân (năm 1945) - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, quân giải phóng từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, nhân dân đã chiến đấu giải phóng tỉnh lỵ, thành lập chính quyền lâm thời tỉnh Thái Nguyên vào chiều ngày 20-8, mở ra một trang mới trong lịch sử của Đảng bộ tỉnh.

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng An toàn khu kháng chiến - Thủ đô kháng chiến. Nơi ra đời nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc, đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, thông qua Kế hoạch tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quân và dân ta đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đi đến thắng lợi vẻ vang. Đất và người Thái Nguyên tự hào đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Trung ương đóng trên địa bàn để lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân dân Thái Nguyên bắt tay vào từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Năm 1959, Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên được xây dựng, đến cuối năm 1963, bước vào sản xuất, đã đưa Thái Nguyên lên một vị trí và tầm vóc mới, là một trong những trung tâm công nghiệp luyện kim lớn của đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, Thái Nguyên trở thành hậu phương vững chắc, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và cũng là trận tuyến ác liệt trong những ngày tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Đảng bộ và Nhân dân Thái Nguyên tự hào đã cùng quân dân cả nước chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến 1996, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảng bộ tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp cụ thể thực hiện ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đồng thời tích cực tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương khóa VI về phân phối, lưu thông (Nghị quyết Trung ương 2 khóa VI), về sản xuất công nghiệp (Nghị quyết Trung ương 3 khóa VI), về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp…

Ngày 22/12/1996, Bộ Chính trị ra Quyết định số 131/QĐSN/TW về việc kết thúc hoạt động của Đảng bộ và Tỉnh ủy Bắc Thái; đồng thời thành lập Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh Thái Nguyên được tái lập, đó cũng là thời điểm cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Một góc trung tâm T.P Thái Nguyên.

Trước thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn, một lần nữa Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, từng bước đẩy lùi nguy cơ để vươn tới giành thắng lợi lớn hơn. Những thành quả to lớn sau 35 năm đổi mới, gần 25 năm tái lập tỉnh đã làm thay đổi diện mạo Thái Nguyên, mang lại cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhiều tiềm lực và sức mạnh mới, tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 5 năm (2006-2010) đạt 11,11%%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 13,6%; giai đoạn 2016-2020 đạt 11,1%/năm (cao hơn bình quân chung của cả nước và các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc).

Giai đoạn 2016-2020, giá trị xuất khẩu trên địa đạt 13,1%/năm; thu ngân sách Nhà nước trong cân đối (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân 16,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 90 triệu đồng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định và từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm đổi mới, phát triển. Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hầu hết các tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Khi tái lập tỉnh (1-1997), Đảng bộ tỉnh có 44.449 đảng viên, sinh hoạt ở 651 đảng bộ cơ sở, đến tháng 6-2021, Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc, với trên 94.762 đảng viên sinh hoạt tại 606 tổ chức cơ sở đảng. Bình quân hằng năm từ 2016 - 2020, 93,35% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; 88,88% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp nối sự lãnh đạo của cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên năm 1936, Đảng bộ tỉnh đã trải quan 20 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh là một nấc thang mới trong nhận thức, lý luận được nâng lên về năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tư tưởng lãnh đạo xuyên suốt của Đảng bộ cũng là khát vọng lớn của nhân dân để nỗ lực phấn đấu xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi trên con được xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tỉnh Thái Nguyên những năm qua là do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã: Vận dụng sáng tạo đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xác định phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, nhiệm vụ giải pháp đúng đắn và thích hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để tổ chức thực hiện hiệu quả; thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kết hợp giữa trước mắt và lâu dài, tổng kết thực tiễn, nhân rộng điển hình tiên tiến; phát huy nội lực bên ngoài để sử dụng hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; không ngừng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, tổ chức, đảng viên, nhân dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng; không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra mục tiêu tổng quát “... xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Mặc dù bị tác động do dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019, song Đảng bộ tỉnh đã và đang lãnh đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, giữ nhịp độ phát triển cao hơn so với bình quân của cả nước, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân. Phát huy những thành tựu kể trên, Đảng bộ tỉnh sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa trong công tác lãnh đạo thời gian tới…

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/dang-bo-tinh-thai-nguyen-nhung-moc-son-dang-tu-hao-291450-97.html
Các tin khác: