Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Cập nhật ngày: 16/07/2018 09:30 (Lượt xem: 969)
Huyện Phú Lương hiện có 1 quỹ tín dụng nhân dân và 32 hợp tác xã (HTX), hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản… Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các HTX đã từng bước hoạt động ổn định, nhiều HTX vươn lên làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chăm sóc keo giống tại HTX Nông nghiệp Động Đạt (Phú Lương).

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhằm khuyến khích kinh tế tập thể (KTTT) phát triển, những năm gần đây, huyện Phú Lương đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể: Hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập mới các HTX; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên; hỗ trợ trực tiếp bằng máy móc, thiết bị cho các đơn vị mở rộng sản xuất kinh doanh... Điều này bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị KTTT trên địa bàn.

Đơn cử: HTX Dịch vụ và Kinh doanh tổng hợp Cổ Lũng, HTX Chăn nuôi động vật bản địa, HTX dịch vụ tổng hợp, chăn nuôi trồng trọt Phấn Mễ, HTX Nông nghiệp Động Đạt, HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh… Bên cạnh lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp, nhiều HTX còn phát triển đa ngành nghề, năng động tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho các hộ thành viên. Cụ thể, trong năm 2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chi cục PTNT tổ chức 8 lớp tập huấn tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 và gần 20 lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho các thành viên HTX với gần 1.400 lượt người tham gia.

Từ nguồn ngân sách nhà nước, huyện đã thực hiện Dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi ngựa bạch cho HTX chăn nuôi động vật bản địa trên địa bàn xã Tức Tranh với tổng mức đầu tư là 2,8 tỷ đồng (HTX đối ứng 50%); Dự án nhà lưới sản xuất rau an toàn cho HTX Dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ với tổng mức đầu tư 70 triệu đồng (HTX đối ứng 28 triệu đồng). Đặc biệt, huyện đã phát động phong trào thi đua và thành lập Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020”, đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp xuống cơ sở nhằm đánh giá hoạt động của các HTX.

Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh cho biết: HTX của chúng tôi mới thành lập từ tháng 4-2018 trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn. Ngay từ quá trình vận động thành lập, chúng tôi đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn tư vấn cặn kẽ và giúp hoàn thiện các thủ tục, xây dựng điều lệ và định hướng hoạt động. 15 thành viên của HTX thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, vừa qua, HTX đã được huyện hỗ trợ kinh phí để đầu tư 3 máy vò chè với tổng trị giá trên 14 triệu đồng, trong đó, HTX đối ứng 50%. Mặc dù đây là số tiền không lớn, song đó là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với chúng tôi.

Là một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn huyện, trong suốt quá trình hoạt động của mình, HTX Dịch vụ và Kinh doanh tổng hợp Cổ Lũng luôn nhận được sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Dương Đại Phong, Chủ tịch HĐQT của HTX cho hay: Trước đây, HTX quản lý, vận hành lưới điện và cung cấp điện năng cho 13/18 xóm của xã Cổ Lũng. Tuy vậy, doanh thu từ 1 lĩnh vực khá khiêm tốn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong HTX. Được sự tư vấn của chính quyền địa phương, năm 2007, HTX đã quyết định bổ sung thêm một số ngành nghề sản xuất mới như: sản xuất, chế biến lâm sản; kinh doanh vật liệu xây dựng; thiết bị điện, nước… Nhờ hoạt động đa ngành nghề, những năm qua, doanh thu của HTX liên tục tăng trung bình từ 10-15%/năm. Tổng doanh thu năm 2017 đạt trên 11 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 150 triệu đồng/năm, 100% người lao động của HTX được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Hiện, số lao động thường xuyên trong các HTX ước đạt 1.520 người, thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện có 6 HTX thành lập mới với trên 50 thành viên. Đáng chú ý là hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX đều gắn với việc tận dụng, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương như: trồng, chế biến chè; trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đơn cử như: HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Đồng Tâm, xã Động Đạt; HTX Sản xuất và kinh doanh dược liệu Phú Lương, xã Phấn Mễ…

Nói về kế hoạch phát triển KTTT thời gian tới, ông Phan Văn Tường cho biết: Mặc dù vậy, trên địa bàn vẫn có  một số HTX phát triển chưa đạt yêu cầu, còn manh mún, nhỏ lẻ, vốn chủ sở hữu thấp. Do vậy, thời gian tới, huyện đề ra kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về KTTT mà nòng cốt là các HTX, thu hút các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX, đồng thời, chú trọng xây dựng các mô hình mới, điển hình tiên tiến…

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: