Đề án Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên: Một “mũi tên” - đa mục đích

Cập nhật ngày: 15/11/2018 02:15 (Lượt xem: 988)
Từ một tỉnh nằm trong top 10 tỉnh tăng tai nạn giao thông (TNGT) của toàn quốc (xếp hạng 56/63 - năm 2010), đến nay, sau 5 năm thực hiện Đề án “Kiềm chế, đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015” và 2 năm thực hiện Đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”, Thái Nguyên đã vượt lên nằm trong top 10-15 tỉnh dẫn đầu cả nước về giảm TNGT. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án này không những góp phần kéo giảm tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông mà còn góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường Tiểu học Hóa Thượng 1 (Đồng Hỷ).

 

Kỳ 1: 7 năm liên tục giảm cả 3 tiêu chí

Nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và đẩy lùi. Với thành tích 7 năm liên tiếp giảm TNGT sâu cả 3 tiêu chí, Thái Nguyên đã trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Khi “nút thắt” hạ tầng giao thông được tháo gỡ

Với người dân Thái Nguyên nói chung, người dân thị xã Phổ Yên nói riêng đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt sau khi công trình đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi vào sử dụng. Anh Nguyễn Mạnh Hải, hộ dân ở tổ dân phố Đình, phường Đồng Tiến, cho biết: Trước đây, khi chưa có tuyến đường cao tốc này, mỗi khi nhà có công việc cần đi Hà Nội thì quãng đường đi về luôn là nỗi ám ảnh không chỉ với người tham gia giao thông mà ngay cả với những hộ dân sống ở đường Quốc lộ 3 cũ. Nhà lúc nào cũng bụi bẩn, trẻ con không dám ra ngoài chơi… Nhưng bây giờ có đường cao tốc, giao thông đã thông suốt, nhiều khu công nghiệp với các nhà máy hiện đại mọc lên đã “biến” Phổ Yên từ một huyện thuần nông trở thành một thị xã công nghiệp, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.

Cùng với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, những năm gần đây, Thái Nguyên đã huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: đường Thái Nguyên - Chợ Mới, cải tạo mở rộng đường Quốc lộ 3 cũ, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 37... Các sở, ngành, địa phương cũng bằng các nguồn vốn xây dựng cơ bản, huy động sự đóng góp của nhân dân, các nguồn vốn xã hội hóa… để thực hiện chương trình phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, cọc tiêu, hộ lan, sơn vạch kẻ đường, hệ thống thoát nước...; xây dựng mới các tuyến đường phục vụ các khu, cụm công nghiệp; cải tạo sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường địa phương.

 Tính đến nay, toàn tỉnh có 11.350km đường bộ bao gồm 1.573km đường cao tốc, Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị; 3.210km đường xã, phường, trị trấn; 6.567km đường thôn, xóm, nội đồng. Hiện, toàn bộ hệ thống Quốc lộ đã được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi trở lên, mặt đường được thảm bê tông nhựa 100%; hệ thống đường tỉnh được nâng cấp, rải nhựa đạt 97%; hệ thống đường huyện được rải nhựa và bê tông xi măng đạt trên 70%; đường đô thị được nhựa hóa, bê tông xi măng đạt 90%; đường xã được cứng hóa bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa, láng nhựa và cấp phối đạt tỷ lệ 53%. Cùng với việc hoàn thành quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thái Nguyên còn xây dựng phương án cải tạo, xử lý 60 vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn trên các tuyến đường trong tỉnh với tổng kinh phí 100 tỷ đồng; thu hút Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Ngự Viên đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhà chờ xe buýt với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng; phối hợp Tổng công ty Đường sắt rà soát hệ thống đường ngang, bổ sung hệ thống cảnh báo an toàn các điểm giao cắt...

Nói về các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông không chỉ tạo nên những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh mà còn kết nối, trung chuyển cho toàn khu vực trọng điểm kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc; làm thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh, giảm ùn tắc giao thông và TNGT, thúc đẩy phát triển KT-XH, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực cũng như trong tỉnh.

Siết chặt xử lý các vi phạm

TNGT là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, nguyên nhân của phần lớn các vụ TNGT là do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Thực hiện Đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”, các cấp, ngành, đơn vị của tỉnh rất quyết liệt trong công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm để giáo dục và răn đe người tham gia giao thông.

Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã và đang là một trong những hành vi vi phạm giao thông được đánh giá rất nghiêm trọng. Tại T.P Thái nguyên, việc kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng Công an Thành phố được triển khai thường xuyên, liên tục. Để hiểu hơn về công tác này, chúng tôi đã có mặt tại đường Dương Tự Minh cùng Đội CSGT, Công an T.P Thái Nguyên vào lúc 19 giờ 30 phút tối ngày 2-11 vừa qua. Thời điểm này, chính là lúc dễ xuất hiện những ma men đằng sau tay lái. Tổ công tác thuộc Đội CSGT, Công an T.P Thái Nguyên đã thiết lập 1 con đường di động bằng hệ thống biển báo giảm tốc độ và cọc tiêu phân làn. Từ đó, CSGT hướng dẫn các phương tiện đi vào đường này để thực hiện điểm đo và xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Trong ít phút, hàng chục tài xế điều khiển các loại phương tiện xe máy, xe ô tô đều được Tổ công tác tiến hành đo nồng độ cồn, và có rất ít tài xế vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Điều này phần nào đã cho thấy, ở đâu làm tốt công tác kiểm soát nồng độ cồn thì cũng góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm của các tài xế. Thượng úy Dương Văn Đệ, Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát Đội CSGT Thành phố cho biết: Xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề nhạy cảm, bởi không ít người vi phạm lỗi này thường có thái độ bất hợp tác hoặc thậm chí chống đối. Nhưng bây giờ cùng với việc thường xuyên lập chốt là sự tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông nên ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên, tình trạng uống rượu bia mà vẫn lái xe đã giảm nhiều.

Cùng với xử lý vi phạm về nồng độ cồn, Phòng CSGT - Công an tỉnh còn thường xuyên thực hiện xử lý các vi phạm về tốc độ trên một số tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn. Cùng các cán bộ Đội Tuần tra, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh đi làm tại huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy chỉ trong một buổi sáng đã có trên 40 trường hợp vi phạm về tốc độ trong đó có cả ô tô và cả xe máy bị lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản xử lý. Điều này cho thấy ý thức chấp hành quy định về tốc độ của người tham gia giao thông chưa cao, một số ít chưa nắm bắt được quy định, một số khác biết nhưng tâm lý chủ quan, thiếu quan sát nên vi phạm. Mỗi trường hợp vi phạm khi bị dừng xe xử lý đều được thông báo và giải thích rõ về lỗi vi phạm, có hình ảnh chứng minh, đa số đều nhận ra lỗi vi phạm, một số ít có kiến nghị nhưng sau khi nhận được những giải thích của cảnh sát giao thông thì đều chấp hành việc xử phạt. Cá biệt còn có trường hợp khi phát hiện lực lượng chức năng đã quay đầu bỏ chạy làm mất an toàn cho người và phương tiện khác đang lưu thông trên đường.

Không chỉ quan tâm xử lý các vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng cảnh sát khác còn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm đối với đường sắt, đường thủy nội địa. Kết quả, hơn 2 năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản vi phạm trên 50.000 trường hợp; thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 83 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 8.589 trường hợp, tạm giữ 16.163 phương tiện… Có thể nói, việc thường xuyên tuần tra xử lý vi phạm trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành cho người tham giao thông. Tuy vậy, với con số vi phạm lỗi này thì có thể thấy còn rất nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: