Để hoạt động kinh doanh không bị ngưng trệ

Cập nhật ngày: 23/03/2020 08:24 (Lượt xem: 980)
Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là khi các cấp, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế đến nơi đông người, người tiêu dùng trong tỉnh đã hạn chế đi ra ngoài mua sắm, kể cả những mặt hàng thiết yếu. Do đó, để đảm bảo cho việc kinh doanh không bị ngừng trệ, nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán hàng trực tuyến (online).

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang trên đường Bến Tượng (T.P Thái Nguyên) đang đóng gói hàng gửi cho khách.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang trên đường Bến Tượng (T.P Thái Nguyên) cho hay: Lâu nay tôi vẫn bán hàng online nhưng chủ yếu phục vụ khách ngoại tỉnh. Nay, dịch COVID-19 xuất hiện, lượng khách đến cửa hàng giảm đến 80% so với trước nên tôi đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, trong đó phần lớn là phục vụ các khách hàng trong thành phố. Để thuận tiện cho khách mua hàng, tôi cập nhật thường xuyên các mẫu sản phẩm hiện có lên trang facebook cá nhân, thông báo sản phẩm đó của hãng nào, giá bao nhiêu, các size hiện có... Sau khi nhận đơn, ghi rõ số điện thoại, địa chỉ của bên mua, tôi liên lạc với người ship hàng để họ vận chuyển đến tận tay khách hàng. Nhờ cách làm này, cửa hàng vẫn đang hoạt động rất thông suốt, doanh thu duy trì khá ổn định. 

Đối với các cửa hàng kinh doanh thời trang, giày dép…, cùng với việc cập nhật các sản phẩm trên trang cá nhân bằng hình ảnh, nhiều cửa hàng còn thường xuyên livetream giới thiệu sản phẩm vào khung giờ vàng trong ngày để hút khách. Theo chị Nguyễn Phương Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang nằm trên đường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) thì hình thức livestream giới thiệu sản phẩm đã được nhiều cửa hàng thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, từ khi có dịch bệnh, khách đến mua ít nên rất nhiều cửa hàng phải thực hiện thường xuyên hơn để khách hàng nhận biết sản phẩm một cách thực tế mà không cần trực tiếp đến cửa hàng. 

Có lẽ, trong thời dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, không chỉ riêng bà Tuyết, chị Thu mà rất nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn phương thức bán hàng online để duy trì hoạt động. Đặc biệt, với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm như rau, củ, quả; các loại thịt tươi sống…, phương thức bán hàng online cũng đang trở thành “cứu cánh”, giúp họ duy trì hoạt động. Chị Nguyễn Thu Hà, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm Phú Sơn food nằm trên đường Bắc Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Gần hai tuần trước, khi có thông tin về bệnh nhân thứ 17 trong nước nhiễm COVID-19, khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) bị phong tỏa, người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên kéo nhau đi mua thực phẩm tích trữ khiến lượng hàng ở cửa hàng tôi hết veo. Tuy nhiên, vài ngày sau, tốc độ bán hàng chậm lại, nhiều hôm rơi vào tình trạng ế ẩm. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ không có kinh phí để chi trả các khoản tiền cố định như thuê nhà, người trông cửa hàng, điện, nước... Dịch bệnh không biết đến bao giờ mới hết? Nếu chờ dịch đi qua thì những cửa hàng buôn bán nhỏ như chúng tôi không còn “đất” để “sống”. Vì thế, tôi phải đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội và các website bán hàng trực tuyến”. Với hình thức bán hàng online, hoạt động kinh doanh của chị Hà khá trôi chảy. Cùng với việc tăng cường quảng cáo, chị cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như miễn phí ship trong bán kính 2km, giảm giá sản phẩm… để kích cầu. Nhờ vậy, doanh thu của cửa hàng vẫn đủ để trang trải các chi phí. 

Tương tự, để “giải quyết” được số hàng hóa hiện có, điểm bán hàng Việt Nam của Sở Công Thương, nằm trên đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cũng có cách làm khá sáng tạo. Các nhân viên của cửa hàng xin số điện thoại của người mua hàng, sau đó đưa họ vào nhóm bán hàng thông qua trang Zalo để họ nắm bắt được các mặt hàng trong ngày, nhất là các loại rau củ, quả… từ đó đặt hàng và cho người vận chuyển đến lấy…

Đánh giá về hoạt động kinh doanh thời COVID-19, bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho rằng: Đây có lẽ là dịp để thị trường bán lẻ hàng hóa chuyển dịch mạnh từ việc bán hàng truyền thống sang nhiều hình thức khác như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng qua điện thoại, bán online… Tuy nhiên, bà Thủy cũng khuyến cáo, để mua được các mặt hàng đảm bảo về chất lượng, giá cả, người dân nên lựa chọn những cửa hàng có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, tránh gặp phải các cơ sở kinh doanh “treo đầu dê, bán thịt chó”.

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thi-truong/de-hoat-dong-kinh-doanh-khong-bi-ngung-tre-269909-105.html
Các tin khác: