Để niềm tin không lệch lạc

Cập nhật ngày: 25/11/2022 08:35 (Lượt xem: 980)
Niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Khi cuộc sống gặp khó khăn, nhiều người dân tìm đến điểm tựa tâm linh để chiêm nghiệm, mong nhận được sự thanh thản trong tâm tưởng, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Thái Nguyên hiện có nhiều tôn giáo lớn hoạt động, những năm qua, công tác tôn giáo được cấp ủy, chính quền các cấp đặc biệt chú trọng…

Đồng bào Công giáo ở huyện Đại Từ tổ chức các hoạt động trong ngày lễ trọng. Ảnh: CTV

 

Thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các chính sách về tôn giáo được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo trên địa bàn cùng phát triển.

Cùng đó là chính quyền các cấp trong tỉnh kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là những hành vi truyền đạo trái phép, lợi dụng tôn giáo nhằm trục lợi cá nhân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Do vậy, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản ổn định, nền nếp, tuân thủ pháp luật. Các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân về tín ngưỡng, tôn giáo được giải quyết kịp thời; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân được đảm bảo.

Các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo dần đi vào ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền về lĩnh vực này được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đẩy mạnh để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hàng năm, ban quản lý, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng đều xây dựng kế hoạch nội dung hoạt động và đăng ký với chính quyền các cấp. Qua đó phát huy vai trò của người đứng đầu có uy tín trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và khuyến khích người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp, loại bỏ tập tục lạc hậu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau.

Cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời một số trường hợp hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo tỉnh và UBND 9 huyện, thành, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành, với gần 1.500 chức sắc, chức việc, trên 120 nghìn tín đồ.

Ông Đồng Quang Nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh, cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành nghị quyết về thực hiện công tác tôn giáo, nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo và công tác tôn giáo. Từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, học tập.

Các ngành, địa phương của tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo các tôn giáo trong tỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Ban Tôn giáo tỉnh đã, đang phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và hỗ trợ các tôn giáo tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo tỉnh cũng đã đối thoại với đại biểu công giáo để lắng nghe, trao đổi với các linh mục, chức sắc, đại diện giáo họ để nắm chắc tình hình, hướng dẫn giải quyết các nhu cầu sinh hoạt, đồng thời tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, tín đồ.

Trong các ngày lễ trọng của các tôn giáo, lãnh đạo tỉnh và địa phương có tổ chức tôn giáo hoạt động đều đến chúc mừng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề, kiến nghị chính đáng, đúng pháp luật.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục quán triệt, phổ biến và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này.

Đồng thời, cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kiểm tra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo phát triển nhưng cũng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hoạt động, hành vi chưa đúng quy định của pháp luật.

https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202211/de-niem-tin-khong-lech-lac-95707f2/
Các tin khác: