Để nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 06/05/2022 10:08 (Lượt xem: 973)
Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong nông nghiệp, thời gian qua, huyện Phú Lương đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn luôn được gia đình ông Tô Công Minh, xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt đặt lên hàng đầu.

Theo đó, hằng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm huyện yêu cầu các phòng chuyên môn tăng cường thông tin, tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân về việc nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Căng treo băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh trực quan; truyền thông trực tiếp tại các xóm, tổ dân phố; đăng tải thông tin truyền thông trên Cổng thông tin điện tử huyện và phát trên hệ thống loa truyền thanh… 

Từ năm 2016 đến nay, huyện Phú Lương cũng đã tổ chức trên 150 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, với trên 6.000 lượt người tham gia. Nhờ đó đã góp phần nâng cao trình độ và ý thức của người nông dân về việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo quy trình đảm bảo VSATTP.

Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn.

Chỉ tính riêng năm 2021, huyện Phú Lương đã phân bổ kinh phí hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 110,5ha chè tại các xã Phú Đô, Tức Tranh, Yên Lạc; hỗ trợ sản xuất chè theo hướng hữu cơ với quy mô 20ha tại xã Tức Tranh; hỗ trợ 245 bộ tôn sao, máy vò inox, 6.000 túi hút chân không cho các cơ sở sản xuất, chế biến chè... Huyện cũng triển khai 12 mô hình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi an toàn. Nổi bật là mô hình nuôi gà giun quế với quy mô 2.500 con tại các xã Động Đạt, Phấn Mễ, Phủ Lý, Ôn Lương; trồng rau theo hướng hữu cơ tại xã Động Đạt với quy mô 5,4ha; sản xuất lúa nếp Vải tập trung với quy mô 130ha tại xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành… Đến nay, toàn huyện có trên 380ha chè được chứng nhận VietGAP; 36 cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi có chứng nhận VietGAP còn hiệu lực…

Nhằm quản lý, kiểm soát nguồn gốc nông sản trên địa bàn, huyện Phú Lương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản giám sát 5 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra 12 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Qua kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với tổng số tiền 4,5 triệu đồng.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, công tác đảm bảo VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã có những chuyển biến rõ nét. Toàn huyện hiện có 11 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP (tăng 9 sản phẩm so với năm 2020). Nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong việc chấp hành quy định VSATTP từ khâu sản xuất đến tiêu thụ từng bước được nâng cao.

Ông Tô Công Minh, xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt, cho biết: Hiện nay, gia đình tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để chăm sóc cho cây trồng. Để hạn chế cỏ dại, tôi sử dụng màng phủ nông nghiệp thay cho thuốc trừ cỏ. Nhờ vậy, sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt nên thu hút nhiều thương lái đến thu mua ngay tại ruộng. Ngoài ra, chúng tôi còn được tạo điều kiện để liên kết tiêu thụ nông sản với một số cửa hàng, đại lý trên địa bàn huyện.

Theo ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông sản và sử dụng vật tư nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng nhân rộng các mô hình, vùng sản xuất nông sản an toàn; khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, thành lập mô hình kinh tế tập thể trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, hữu cơ…

 
https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/de-nong-san-an-toan-den-tay-nguoi-tieu-dung-300664-108.html
Các tin khác: