Điều chỉnh địa giới hành chính vì sự phát triển chung của Tỉnh

Cập nhật ngày: 07/04/2017 05:26 (Lượt xem: 964)
Ngày 20/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2486/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035. Theo đó thành phố Thái Nguyên được mở rộng về phía Đông và phía Bắc với quy mô phần mở rộng là trên 5.200 ha, bao gồm diện tích tự nhiên của xã Sơn Cẩm huyện Phú lương, thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ và xã Đồng Liên, huyện Phú Bình. Việc mở rộng Thành phố sẽ giúp khai thác hiệu quả cảnh quan sinh thái 2 bên bờ sông Cầu, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến nay, gia đình ông Trương Thế Dũng đã có hơn 10 đời nối tiếp nhau sinh sống tại xóm Sơn Cẩm, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương. Chừng đó thời gian đủ để ông hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương do chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 6 km, có trục đường QL3, tuyến đường tránh thành phố Thái Nguyên nối Quốc lộ 1B chạy qua nên thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo ông thì  nếu được sáp nhập về thành phố Thái Nguyên, Sơn Cẩm sẽ có những đổi thay mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển dịch vụ thương mại, xây dựng các thiết chế văn hóa..v.v

Nằm tiếp giáp với xã Đồng Bẩm và Cao Ngạn của TP Thái Nguyên, thị trấn Chùa Hang là trung tâm huyện lỵ huyện Đồng Hỷ, có tuyến đường Quốc lộ 1B cũ, tuyến đường Quốc lộ 17 đi qua nên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện cả về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Theo bảng đánh giá tiêu chuẩn của việc thành lập phường thì Chùa Hang đều đạt các yêu cầu về quy mô dân số; diện tích tự nhiên; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng đô thị. Chính bởi vậy, khi có chủ trương sáp nhập về thành phố Thái Nguyên, nhiều người dân trên địa bàn Thị trấn đều rất đồng tình, phấn khởi. Anh Phạm Văn Phượng, Chủ cửa hàng cơ khí Bắc Long, tổ 3, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên mong muốn sẽ được Chính quyền TP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mở rộng ngành nghề kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Cùng với thị trấn Chùa Hang, trong đợt này 2 xã Linh Sơn, Huống Thượng của huyện Đồng Hỷ cũng được sáp nhập về T.P Thái Nguyên. Đây đều là các địa phương đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới và đang phát triển mạnh  các mô hình trồng rau an toàn, hoa, cây ăn quả tập trung. Ngoài ra, khi được chuyển về thành phố Thái Nguyên thì các xã sẽ được tập trung khai thác cảnh quan ven sông Cầu, phát triển du lịch, làm gia tăng giá trị đất và tăng khả năng thu hút đầu tư vào Thái Nguyên. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tất yếu về phát triển đô thị của Tỉnh, thời gian qua, các địa phương thuộc huyện Đồng Hỷ đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tiến hành việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo đúng lộ trình đã định. Ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: thời gian qua, Thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị, sử dụng hệ thống qua truyền thanh để giúp mọi người dân trên địa bàn hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập về TP Thái Nguyên và đồng tình ủng hộ chủ trương này.

Là xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tiên của huyện Phú Bình, Đồng Liên cũng là một trong số ít các địa phương của Tỉnh được chọn để xây dựng thành xã nông thôn kiểu mẫu. Với kinh nghiệm và lợi thế sẵn có về phát triển nông nghiệp, người dân trong xã mong muốn khi chuyển về Thành phố sẽ được đầu tư hơn nữa về hệ thống đường giao thông cũng như chính sách hỗ trợ hiệu quả trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Bá Long, đảng viên 50 năm tuổi đảng ở thôn Xuân Đám, xã Đồng Liên, Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mong muốn Chính quyền thành phố sẽ sớm đầu tư thay cây cầu treo ở xã thành cây cầu cứng, có biện pháp chỉ đạo hiệu quả để chống sói lở 2 bên bờ sông Cầu..v.v.

Theo chỉ đạo của UBND Tỉnh, ngày chủ nhật 9.4 tới đây, UBND các xã, thị trấn chuẩn bị sáp nhập về thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập phường thuộc TP Thái Nguyên. Và theo quy định của Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên rất đồng tình với cách lấy ý kiến cử tri này vì nó thể hiện tính dân chủ cao và quyền lợi của người dân. Ông cũng tin tưởng rằng trong đợt lấy ý kiến này, đa số người dân tại 5 xã, Thị trấn sẽ đồng tình cao với việc sáp nhập về thành phố Thái Nguyên.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tỉnh, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở hiện trạng đô thị và những tiềm năng phát triển, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thành lập các phường thuộc thành phố Thái Nguyên sẽ có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và nâng cao đời sống của nhân dân. Việc mở rộng thành phố cũng được xem là cơ hội để trung tâm hành chính của Tỉnh có điều kiện phát triển thành đô thị sinh thái, có chức năng tổng hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của Tỉnh Thái Nguyên.

 

Thùy Linh
Các tin khác: