Đối thoại với doanh nghiệp: Nhiều vấn đề được đặt ra

Cập nhật ngày: 18/06/2019 08:02 (Lượt xem: 958)
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tính đến hết tháng 5-2019 đã có 2 sở là: Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thực hiện đối thoại với doanh nghiệp (DN). Tại các cuộc đối thoại đã có nhiều vấn đề được đề cập, từ đó cho thấy còn không ít bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện các quy định, chính sách. Về kết quả của các cuộc đối thoại được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá tốt.

Tăng cường đối thoại sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Trong ảnh: Sản xuất gạch đô thị của Công ty CP Xi măng Cao Ngạn.

 

Tại các buổi đối thoại do Sở Xây dựng và Sở TN-MT tổ chức, chúng tôi nhận thấy có sự tham gia của đông đảo đại diện các DN. Hội trường của cả 2 sở đều không còn chỗ trống và nhiều ghế ngồi đã được kê thêm. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu và sự quan tâm của cộng đồng DN đối với việc được trực tiếp trao đổi, phản ánh đến người đứng đầu các sở, ngành. Trước đó, để chuẩn bị cho đối thoại, các sở đều đã phối hợp và thông qua Hiệp hội DN tỉnh, Hội DN các huyện, thành, thị để thông tin rộng rãi đến cộng đồng DN về nội dung, thời gian buổi đối thoại, cũng như tổng hợp các vấn đề, kiến nghị mà DN quan tâm, mong muốn được giải đáp, làm rõ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại buổi đối thoại do Sở Xây dựng tổ chức đã có 16 DN có ý kiến, trong đó, có 4 ý kiến gửi bằng văn bản và 12 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường. Còn đối với Sở TN-MT, số ý kiến, kiến nghị của các DN nhiều hơn, với 16 ý kiến gửi bằng văn bản và 13 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp tại buổi đối thoại. Bên cạnh các ý kiến tập trung phản ánh về một số hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách thì những vấn đề bất cập trong giải quyết các thủ tục cụ thể cũng đã được chỉ ra và có cả những kiến nghị để có được hướng xử lý đối với những việc “sự đã rồi” mà phần lỗi thuộc về DN.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng, ở xã Kha Sơn (Phú Bình) đã tham dự và có ý kiến ở cả 2 phiên đối thoại. Có khá nhiều vấn đề được ông Mạnh đề cập, song có lẽ việc làm thủ tục đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất khiến ông bức xúc hơn cả. Ông cho biết, ngày 13/8/2018, ông trực tiếp đến nộp hồ sơ để làm thủ tục này tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở TN-MT. Một tháng sau, Văn phòng đăng ký đất đai của Sở có công văn trả lại hồ sơ do phải bổ sung thêm 2 loại giấy tờ gồm thủ tục chuyển mục đích đất góp vốn và giấy phép xây dựng. Để hoàn thiện được thủ tục này, Sở TN-MT cũng đã cử cán bộ về kiểm tra thực địa.

Tuy nhiên, sau khi các thủ tục trên đã hoàn thiện thì đến ngày hẹn lấy hồ sơ, bộ phận chuyên môn của Sở lại tiếp tục yêu cầu ông Mạnh liên hệ với Sở Kế hoạch - Đầu tư để được cấp chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, khi ông Mạnh làm việc với Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch - Đầu tư thì được trả lời là không phải làm vì diện tích xin chứng nhận không phải là dự án mới và toàn bộ diện tích đất và tài sản đó đã được ông góp vốn năm 2009. Sau đó, ông Mạnh đã quay lại Sở TN-MT hỏi lại thì lại được cán bộ chuyên môn hướng dẫn lại. Lần này, ông Mạnh được yêu cầu phải làm đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, khi làm việc với UBND thị trấn Hương Sơn và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thì được trả lời không phải làm hoặc nếu có thì ông Mạnh phải xóa góp vốn vào DN để chứng nhận cho cá nhân… Chính sự nhùng nhằng trong hướng dẫn đã khiến ông Mạnh mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để làm các thủ tục, song vẫn chưa thể hoàn tất hồ sơ. Và đến giờ, ông Mạnh bảo “đành thôi” vì quá khó khăn.

Ông Mạnh chia sẻ: Điều mà tôi cảm thấy không hài lòng chính là việc phải đi lại nhiều lần. Được hay không thì Sở phải trả lời dứt khoát và hướng dẫn 1 lần. Hôm nay hướng dẫn thế này, ngày mai hướng dẫn thế khác, DN rất vất vả.

Có chung quan điểm với ông Mạnh và một số đại biểu, ông Lê Văn Ân, Giám đốc Công ty TNHH Ân Hường, T.P Sông Công đề nghị: Thay vì lãnh đạo các sở chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu hồ sơ đã được giải quyết thì cần nắm bắt thêm xem DN đã phải làm thủ tục đó bao lâu và làm mấy lần thì xong!? Còn theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh thì việc các sở cần bố trí cán bộ có đủ năng lực để hướng dẫn, người dân thực hiện các bước thủ tục rất quan trọng, tránh sự giải thích, hướng dẫn không đồng nhất. Ông Thắng đánh giá cao việc tổ chức đối thoại, song việc nhiều ý kiến tập trung phản ánh về các cơ chế, chính sách thì các sở cũng cần nghiên cứu cách làm, hình thức tuyên truyền, phổ biến để làm sao giúp DN nắm bắt được các nội dung này một cách kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, các DN cũng phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu để không vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết mà dẫn đến vi phạm hoặc khó khăn trong hoạt động.

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cũng là người đứng đầu một DN lớn của tỉnh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Thái Nguyên, đồng chủ trì 2 phiên đối thoại, ông Nguyễn Văn Thời, bày tỏ quan điểm: Do pháp luật luôn đi sau diễn biến thực tế, nên trong quá trình sản xuất kinh doanh, chuyện DN gặp phải khó khăn, vướng mắc cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, cộng đồng DN luôn mong muốn, cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành sẽ luôn đồng hành để khó ở đâu, vướng chỗ nào sẽ được tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, việc đối thoại cũng cần quan tâm đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài vì hiện nay, số DN này trên địa bàn tỉnh khá lớn.

Tuy còn có nội dung do DN đề xuất tại buổi đối thoại chưa được giải đáp theo yêu cầu, mong muốn của DN, nhưng ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng thông qua đối thoại sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và DN hiểu nhau hơn, từ đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của DN. Đồng thời, cũng xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trước cộng đồng DN và người dân, để phải tự giác hơn trong trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Sau 2 tháng đối thoại, một số nội dung, đề xuất cụ thể của DN đã được Sở quan tâm giải quyết; các vấn đề khác có liên quan cũng nhờ đó có được sự chuyển biến tích cực hơn. Ông Khánh cũng mong muốn, ngoài việc tổ chức riêng, các sở, ngành theo định kỳ mỗi năm một lần cũng nên phối hợp tổ chức để hiệu quả sau đối thoại đạt được cao hơn.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: