Đưa nấm sạch từ phòng thí nghiệm đến bữa ăn

Cập nhật ngày: 30/07/2018 08:23 (Lượt xem: 1016)
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn, nhóm giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch để đưa sản phẩm vào bữa ăn hàng ngày. Gần một năm triển khai, đã có gần chục tấn sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng và mở ra những tiềm năng mới hỗ trợ tích cực cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển kinh tế.

Tiến sĩ Trương Phúc Hưng hướng dẫn sinh viên thực tập kỹ thuật sản xuất nấm sò tại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch.

 

Với hơn 1.000m2 đất, gồm nhà xưởng, phòng thí nghiệm, bãi tập kết nguyên liệu nằm khuất sâu trong khu dân cư của xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) được các giảng viên Khoa Công nghệ sinh học thuê làm xưởng thực hành với tên gọi: Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch. Không nhà kính, phòng vô khuẩn, cũng không có nhiều máy móc thiết bị hiện đại như các phòng thí nghiệm khác, mà chỉ rơm, rạ khô mục, mùn cưa, phoi bào và bông thải cũ của các nhà máy chất kín lối đi. Đó chính là nguyên liệu đầu vào làm giá thể cho quy trình chuẩn bị gây giống trồng cấy nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi và một số loài nấm làm dược liệu.

Các thầy giáo: Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng và Tiến sĩ Trương Phúc Hưng trong bộ đồ bảo hộ lao động giản dị luôn niềm nở đón khách đến giao dịch. Thầy Hưng cho biết: “Công việc trên bục giảng có thể thuần túy hơn và diễn đạt ít hơn, nhưng ở Trung tâm thì phải hoạt ngôn hơn vì đông khách và đối tượng đến tìm hiểu cũng rất đa dạng. Người chưa biết thì hỏi từ nguồn gốc rơm, rạ cũ, chất liệu mùn cưa, người biết hơn thì hỏi năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tác nhân gây hại, phòng chống bệnh… Nhưng rất vui vì nó đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đồng thời cũng là nhu cầu cuộc sống vì bữa ăn an toàn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao”.

Thầy giáo, Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa, đồng thời là Giám đốc Trung tâm chia sẻ với chúng tôi: “Sản xuất nấm bằng công nghệ sinh học không phải là mới, nhất là làm nấm rơm, nấm sò đã có cách đây hàng chục năm, được nông dân ứng dụng sản xuất rộng rãi. Nhưng chúng tôi vẫn lựa chọn định hướng nghiên cứu, ứng dụng vừa là cho sinh viên thực hành, hỗ trợ nông dân kỹ thuật, kiến thức để tự sản xuất tại gia đình, gia trại, mở trang trại… vừa tạo môi trường nghiên cứu sâu. Mục tiêu chính chúng tôi hướng đến là nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh tế, kiểm soát chất lượng bảo đảm sạch theo quy định về ATVSTP và tiếp đến là sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đưa giống, sản phẩm mới làm dược liệu, thực phẩm chức năng”.

Theo Đề án thành lập Trung tâm năm 2017, đơn vị phải tự lo thuê mặt bằng và tự quản theo mô hình gắn học tập, nghiên cứu khoa học với thực hành, ứng dụng. Đây chính là những thách thức không nhỏ đối với các giảng viên chuyên môn cũng như các nhà khoa học. Thầy Hưng tâm sự: “Cũng có không ít ý kiến cho rằng thầy giáo kết hợp giảng dạy và làm kinh tế”. Tuy nhiên, bằng những kiến thức, kỹ thuật sẵn có và kinh nghiệm tổ chức làm cơ sở thực hành, các thầy, cô giáo trong Khoa đã nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng và tổ chức xản xuất đưa ra những sản phẩm đầu tiên là nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Sản phẩm làm ra đến đâu được đưa vào các phòng Lab xét nghiệm đến đó để công bố chất lượng, tiêu chuẩn đưa vào thị trường tiêu dùng hàng ngày. Hệ thống nhà xưởng cũng vậy, hoàn thiện đến đâu lập tức được đưa vào sản xuất đến đó. Chính vì vậy, sau gần một năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã có những sản phẩm cao cấp đưa ra thị trường, như nấm linh chi và đang chuẩn bị hoàn tất quy trình sản xuất dược liệu quý như đông trùng hạ thảo, một số loài nấm nguồn gốc nhập từ Pháp làm dược liệu hỗ trợ điều trị ung thư, sản xuất theo đơn đặt hàng…

Mặc dù chưa đưa vào hoạt động kinh doanh, nhưng bước đầu người tiêu dùng tại T.P Thái Nguyên đã tìm đến Trung tâm đặt mua hàng. Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm vào vụ đều cho sản lượng tốt, như: Nấm sò đạt 50-60 kg/ngày, nấm rơm đạt 30-40 kg/ngày, mộc nhĩ đạt gần 100 kg/vụ, linh chi đạt trên 100kg/vụ. Được biết sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và bước đầu Trung tâm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nhà phân phối thực phẩm an toàn đến từ Hà Nội, Bắc Ninh và các siêu thị tại T.P Thái Nguyên. Đặc biệt các phế phẩm sau sản xuất được Trung tâm chế biến thành phân bón phục vụ dịch vụ chăm sóc cây cảnh, nhà vườn tại T.P Thái Nguyên. Đây chính là tiền đề để Trung tâm mở rộng quy mô sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng cho biết thêm: “Khi quy mô sản xuất mở rộng, sản lượng tăng và ổn định, Trung tâm sẽ đưa thêm vào hệ thống cảm biến nhiệt độ, ánh sáng, điều chỉnh độ ẩm, tạo môi trường sản xuất trái vụ… Tất cả sẽ được điều khiển tự động trên các thiết bị điện tử thông minh, như điện thoại di động, máy tính…”.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: