EU nhất trí cách phương pháp tiếp cận mới đối với các FTA

Cập nhật ngày: 23/05/2018 09:19 (Lượt xem: 953)
Ngày 22/5, Bộ trưởng thương mại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với phương pháp tiếp cận mới trong việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định tự do thương mại (FTA), theo đó một hiệp định có thể được phê chuẩn mà không cần ý kiến của nghị viện các quốc gia thành viên. Mục đích của việc này là nhằm tăng tốc các cuộc đàm phán thương mại của EU với các đối tác.

(Nguồn: PressTV)

 

Cách tiếp cận mới này cho phép EU tránh được trường hợp các hiệp định đang trong quá trình đàm phán có thể bị chặn bởi chỉ một nghị viện của một quốc gia hoặc thậm chí chỉ một vùng của quốc gia đó như trường hợp Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện giữa EU và Canada (CETA) .

Phản đối một số quy định của CETA, nghị viện của vùng nói tiếng Pháp của Bỉ Wallonie đã nhiều lần chặn việc ký kết hiệp định này vào cuối năm 2016, hành động trên đã gây ra một sự cố ngoại giao giữa EU với Canada. 

Cách tiếp cận mới của châu Âu cũng là bước tiếp theo của quyết định được Tòa Công lý châu Âu (ECJ) đưa ra vào năm 2017 liên quan tới thẩm quyền của EU và các nước thành viên trong vấn đề thương mại.

ECJ đánh giá phần lớn các chủ đề được đàm phán trong khuôn khổ một FTA là thuộc thẩm quyền độc quyền của EU, ngoại trừ một vài điều khoản liên quan đến đầu tư. 

Trong tương lai, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất việc chia tách các hiệp định thương mại thành hai phần: một phần gồm các quy định thuần túy về thương mại sẽ chỉ cần Nghị viện châu Âu thông qua để đi vào thực hiện, còn lại là thỏa thuận về đầu tư thì phải được tất cả nghị viện các quốc gia thành viên của EU thông qua. 

Trong thông cáo của mình, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh tùy trường hợp mà các nước thành viên có quyền quyết định chia nhỏ các hiệp định thương mại dựa trên nội dung cụ thể của chúng. 

Các FTA gần đây nhất mà EU đã hoàn tất đàm phán hiện vẫn cần phải có được sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên sau một cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu và các thủ tục này cần rất nhiều thời gian. Cụ thể, trường hợp FTA với Hàn Quốc phải cần tới 4 năm rưỡi để được phê chuẩn. 

Hiện nay, các FTA mà EU đàm phán với các đối tác vấp phải sự phản đối ngày một gia tăng của người dân châu Âu, dẫn tới khả năng một hiệp định không chắc chắn được toàn bộ các Nghị viện các quốc gia và vùng của châu Âu phê chuẩn./.

Theo Vietnam+
Các tin khác: