Giai điệu tri ân những người đã khuất

Cập nhật ngày: 14/09/2018 10:17 (Lượt xem: 958)
Mỗi lần nghe nhạc phẩm “Khoảng trời mây trắng” của nhạc sĩ Lại Hồng Phong, phổ nhạc bài thơ “Linh thiêng trời Lưu Xá” của nhà thơ Phan Thái, tôi đều rưng rưng xúc động. Bài hát gợi niềm tiếc thương sâu sắc những thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đại đội 915 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Nhà thơ Phan Thái (bên phải) và nhạc sĩ Lại Hồng Phong.

 

Tôi có duyên gặp gỡ nhiều lần với nhà văn, nhà thơ Phan Thái, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Tình cờ được anh cho nghe thử giai điệu bài hát “Khoảng trời mây trắng” khiến tôi thích ngay. Anh Phan Thái kể lại quãng thời gian cách đây khoảng chục năm, anh có dịp tiếp xúc với các bậc cao niên xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc T.P Thái Nguyên) và một số nhân chứng, được nghe nhiều câu chuyện ấn tượng về các đội viên thuộc Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 915. Là người đam mê sáng tác văn chương, anh nhận thấy đây là một đề tài còn ít người khai thác nên tập trung tìm hiểu, chắt lọc chất liệu để viết. Thời điểm 10 năm trước, anh đã sáng tác truyện ngắn: “Mùa thị chín” cùng 2 bài thơ lục bát “Khúc ru xin thắp bên trời, “Mây thiêng”. Gần đây, anh tham gia nhóm biên soạn cuốn sách về Đại đội TNXP 915 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cùng Tổ công tác của tỉnh về các địa phương trong tỉnh và Bắc Kạn, sưu tầm tư liệu lịch sử về Đại đội TNXP 915 nên có dịp tìm hiểu kỹ hơn các tư liệu về các đội viên Đại đội TNXP 915 cũng như sự kiện các anh chị hy sinh đêm Noel năm 1972. Anh đã sắp xếp thời gian lên Bắc Kạn gặp gỡ nhân chứng bổ sung tư liệu để sáng tác cuốn tiểu thuyết “Nắng phía sau mặt trời”. Trong các chuyến đi ấy, trong đầu anh bỗng nảy ra ý tưởng viết một bài thơ với niềm tri ân sâu sắc để có thể phổ nhạc, sử dụng làm nhạc cho bộ phim điện ảnh, cũng như các hoạt động tưởng niệm về TNXP trên địa bàn tỉnh sau này. Tuy nhiên, nhiều lần viết, anh đành bỏ dở vì chưa thật ưng ý.

Nói về bài thơ “Linh thiêng trời Lưu Xá” nhà thơ Phan Thái tâm sự: Trong một chiều gần đây về dâng hương tại Nhà tưởng niệm TNXP Lưu Xá, tôi bất chợt nảy được mấy câu thơ: “Không thể gọi tên nhau, hoàng hôn nghiêng tím quá/ Câu thơ đành thả về trời…” Hình ảnh các đội viên TNXP một thời thật uy linh. Câu thơ thả về trời cũng là sự tri ân những người đã khuất. Tôi nghĩ bằng tình cảm trân trọng có thể: “Xin những làn mây trắng/ Hiện lên hình hài linh thiêng”. Đêm ấy về nhà, tôi gần như thức trắng viết bài thơ: “Linh thiêng trời Lưu Xá” với một tâm trạng rất khác lạ. Bài thơ viết xong, tôi chuyển cho nhạc sĩ Lại Hồng Phong, người bạn cùng học với tôi những năm cấp 3 Trường THPT Lương Ngọc Quyến để phổ nhạc.Chỉ ít ngày sau, nhạc sĩ Lại Hồng Phong đã phổ nhạc xong. Dù chỉ võ vẽ về nhạc lý nhưng vừa nghe vài câu hát tôi đã thích ngay giai điệu. Chúng tôi trao đổi, chỉnh sửa hoàn thiện ca từ để bài hát thể hiện sự hy sinh quả cảm của các chị, các anh tại địa danh Lưu Xá trong đêm Noel. Tôi có gửi bản nhạc cho một số anh chị em văn nghệ sĩ và bạn bè nghe, mọi người đều đánh giá tốt. Nhạc sĩ Lê Tú Anh còn bảo tôi “Được lắm em à!”

Ngồi cạnh nhà thơ Phan Thái, nhạc sĩ Lại Hồng Phong, hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tiếp lời bạn: Năm 1972, tôi và Thái đều nhỏ, cùng gia đình sinh sống ở xã Đồng Bẩm (Đồng Hỷ) nay là phường Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên. Lúc máy bay Mỹ truy kích, tôi cùng dân làng sơ tán và trú ẩn tại hang Bó Cỏ, trước đầu Núi Voi và có biết đến sự kiện sập hầm làm mấy chục TNXP hy sinh ở Ga Lưu Xá. Tôi cũng là con liệt sĩ nên cảm nhận được nỗi đau khi mất mát người thân. Bởi vậy, khi Thái trao đổi về việc phổ nhạc một bài thơ về TNXP, tôi đã không do dự mà nhận lời. Tôi cố gắng giữ nguyên ý, lời thơ, tạo giai điệu nhạc bi hùng chứ không bi ai để lay động cảm xúc của người nghe.

Về tên bài hát, nhạc sĩ Lại Hồng Phong nhớ lại: Khi phổ xong phần nhạc, tôi không muốn đặt tên nhạc phẩm như bài thơ là “Linh thiêng trời Lưu Xá” nhưng chưa thể tìm được tên khác. Một hôm, khi đang ở nhà, hát lại câu “Và đêm- Xin những làn mây trắng/ Hiện lên hình hài linh thiêng” tôi chợt nảy ra ý tưởng, linh hồn những TNXP đã trở nên bất tử khi hóa thân thành những khoảng trời mây trắng. Vậy là nhan đề bài hát “Khoảng trời mây trắng” ra đời. Tôi gọi điện và hát cho Thái, Thái bảo ưng lắm. Giai điệu, câu từ nhẹ nhàng, trầm ấm, xúc động, dễ lấy nước mắt của người nghe. Tôi đã mời ca sĩ, tổ chức dàn dựng ghi âm hoàn chỉnh, làm đĩa CD gửi lên cho Thái.

Tôi với tay mở đĩa CD, giọng hát trầm ấm của nam ca sĩ cất lên, giai điệu bản nhạc “Khoảng trời mây trắng” đầy tự hào pha nỗi buồn da diết đã tái hiện lại hình ảnh những người TNXP trong đêm Noel kinh hoàng 24/12/1972 với tiếng bom rơi, đất rung và sự hy sinh của 60 TNXP. Tôi hiểu rằng, bằng sự đồng cảm về tâm hồn với người bạn thân, sự tri ân với các liệt sĩ TNXP, nhạc sĩ Lại Hồng Phong đã gọi thơ vào nhạc bằng một tình yêu thắm thiết. Những TNXP đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân hồn nhiên, trong sáng của mình vì độc lập, tự do của dân tộc. Linh hồn của các anh chị đã hòa vào đất, nước, núi sông, vào những áng mây trắng còn mãi với thời gian như lời ca từ: “Xin chiều chầm chậm đừng vơi/ Cho vạt cỏ mềm thêm chút nắng/ Và đêm xin những làn mây trắng/ Hiện lên hình hài linh thiêng”.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: