Giải pháp giảm quá tải tại các trường mầm non công lập

Cập nhật ngày: 17/09/2018 08:27 (Lượt xem: 967)
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có hơn 100.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trong số đó, nhiều công nhân đang có con ở độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, ở hầu hết các khu công nghiệp đều thiếu nhà trẻ, mẫu giáo, điều này đã gây nên tình trạng quá tải tại các trường mầm non công lập. Việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập (MNNCL) là nhu cầu cần thiết góp phần áp ứng phần nào nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, giảm tải áp lực cho các trường mầm non công lập và nâng cao tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường.

Trẻ vui chơi tại Trường Mầm non Sao Mai (xã Hồng Tiến, T.X Phổ Yên)

 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 177 cơ sở giáo dục mầm non trong tình trạng quá tải, trong đó số trẻ vượt quy định độ tuổi nhà trẻ là trên 1.400 trẻ, trong độ tuổi mẫu giáo là gần 11.000 trẻ. Việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập là nhu cầu cấp thiết đặt ra cho các địa phương. Trước tình trạng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác tham mưu, quy hoạch đất, ưu tiên mở rộng diện tích để xây dựng trường, lớp mầm non tại các địa phương nhằm đẩy mạnh thực hiện quải quyết vấn đề quá tải trường, lớp mầm non, đặc biệt mở rộng quy mô các trường xung quanh các khu công nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các chủ cơ sở đã tập trung đầu tư, sửa chữa, cải tạo, xây mới phòng học, khu vực bếp, khu vệ sinh đúng quy cách và an toàn, thuận tiện cho việc sử dụng trong công tác chăm sóc và tổ chức các hoạt động cho trẻ. Nhìn chung, cơ sở vật chất trường, lớp, nhóm trẻ MNNCL đảm bảo an toàn trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, góp phần cùng hệ thống giáo dục công lập phát triển bậc học Mầm non. Điển hình như tại thị xã Phổ Yên, một trong những địa phương có đông số công nhân tại các khu công nghiệp, Trường Mầm non Sao Mai (xã Hồng Tiến) được thành lập từ năm 2016, có diện tích trên 700m2 với 3 nhóm lớp và hơn 60 trẻ đang theo học. Trong tương lai Trường có thể nhận 200 trẻ. Theo bà Lê Thị Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai: Đối tượng của chúng tôi phần lớn là con em công nhân lao động tại các nhà máy, công ty. Gửi trẻ ở Trường, các phụ huynh là công nhân sẽ giải quyết được vấn đề về thời gian của công nhân là gửi sớm đón muộn, nhu cầu trông gửi trẻ vào các ngày nghỉ. Phòng học được bố trí rộng rãi, thoáng mát cho trẻ, có hệ thống camera để phụ huynh có thể theo dõi con, mỗi lớp giới hạn từ 20-25 trẻ. Đặc biệt, thực phẩm chúng tôi có nhà cung cấp rõ ràng, rau sạch được trồng tại Trường.

Thành phố Sông Công hiện cũng đã có 4 trường MNNCL. Cũng như Trường Mầm non Sao Mai, Trường Mầm non Capitole (tổ Tân Mới, phường Phố Cò, T.P Sông Công) với mục đích đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Hiệu trưởng Nhà trường là bà Nguyễn Thị Minh Hồng đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng thêm sân chơi, nâng cấp phòng học, bếp ăn, mua sắm đồ chơi, phát triển cơ sở từ nhóm trẻ sinh năm năm 2016, năm 2017. Trường được mở rộng và đón trẻ vào năm 2018. Hiện nay, Trường có 5 phòng học cho trẻ, mỗi phòng có diện tích 100m2, với chi phí đầu tư thiết bị mỗi phòng học là 100 triệu đồng bao gồm điều hòa 2 chiều, khu vực vệ sinh, hệ thống camera…

Có thể thấy, MNNCL hình thành và phát triển những năm qua đã góp phần cùng hệ thống giáo dục Mầm non công lập chăm sóc, giáo dục, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Trong năm 2017-2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 trường mầm non ngoài công lập, dù chỉ chiếm 6% trong tổng số các trường mầm non nhưng đa số đều đạt chuẩn về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, loại hình này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Phát triển thiếu bền vững; chưa đồng đều giữa các huyện, thành phố, thị xã… Bởi vậy, để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội trong việc phát triển giáo dục MNNCL; khuyến khích và tạo mọi điều kiện tăng quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp MMNCL ở những nơi có điều kiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục MNNCL không đảm bảo; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên;…

 Theo chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 70% phòng học kiên cố ở các cấp học, trong đó có giáo dục mầm non. Thực tế hiện nay nhiều trường mầm non quá tải đang sử dụng các phòng chức năng làm phòng học cho trẻ, nhu cầu phòng học cho mầm non đến năm 2020 theo dự báo là 3.284 phòng, tăng 521 phòng so với hiện tại. Do vậy, việc phát triển các cơ sở MNNCL tại thời điểm này là rất cần thiết.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: