Giáo dục giới tính cho trẻ: Cần sự quan tâm của nhà trường và gia đình

Cập nhật ngày: 27/03/2023 09:25 (Lượt xem: 984)
Thái Nguyên đang có trên 100 nghìn trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đây là lứa tuổi khá nhạy cảm, rất cần được giáo dục về giới tính. Qua đó giúp các em có nhận thức đúng đắn, biết bảo vệ chính mình , không bị tác động bởi những thông tin tiêu cực về giới tính dẫn đến quan hệ tình dục và nạo phá thai, mang lại hậu quả dài lâu cho gia đình, xã hội…

Trường THPT Ngô Quyền tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, giáo dục giới tính cho học sinh.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, cho biết: Các cụ có câu “Gái thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16) để nói về tuổi dậy thì. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nhiều yếu tố xã hội, hiện tuổi dậy thì của vị thành niên (VTN) sớm hơn thời trước. Tuổi dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn ấu thơ sang giai đoạn trưởng thành, là giai đoạn có sự thay đổi lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong giai đoạn này, trẻ có nhiều biến đổi quan trọng về cơ thể cũng như về tâm lý, rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ.

Phụ trách chủ nhiệm học sinh từ lớp 6 cho đến lớp 9, thầy Mạnh Hùng, Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên), luôn nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, uốn nắn, giáo dục học sinh trên lớp và có sự phối hợp chặt chẽ với các phụ huynh để phát hiện sự thay đổi của từng học sinh.

Thầy Hùng cho hay: Khi bắt đầu dậy thì, các em lớn nhanh “như thổi”, tính khí thất thường, có lúc rất khó bảo. Nhiều em đã bắt đầu có cảm xúc yêu đương, không ít em lại đánh giá quá cao khả năng của chính mình nên dễ bị suy sụp khi thất bại… Bởi vậy, việc gần gũi, chia sẻ với học sinh là điều mà tôi thực hiện nhiều năm nay. Từ đó giúp các em định hình rõ sự thay đổi của cơ thể, hiểu về giới tính để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trong thực tế, hầu hết các nhà trường đã quan tâm hơn tới việc giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, các nhà trường mới đưa chương trình vào lồng ghép trong các tiết học môn Giáo dục công dân, Sinh học hay giờ sinh hoạt lớp với những nội dung: Sự phát triển của giới tính, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ cá nhân, tình cảm, về ngoại hình, về vai trò của giới... Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về giới tính của trẻ.

Theo nhiều phụ huynh có con đang ở tuổi VTN ở Thái Nguyên, những kiến thức về giáo dục giới tính giúp trẻ có quan điểm tích cực về tình dục, cung cấp các thông tin, kỹ năng để các em có được thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình. Vì vậy, việc các trường học tổ chức thành chuyên đề lớn để giáo dục cho học sinh là rất cần thiết.

Trẻ “lớn người” chưa “lớn đầu” sẽ làm cho nhiều bậc mẹ cha phải “điên đầu”. Nhiều người đã từng “sốc” bởi cậu con trai ngoan hiền bỗng có những cử chỉ, hành động, lời nói làm đau lòng mẹ cha. Thậm chí, để phản đối việc bị cha mẹ cấm yêu, nhiều em đã tuyệt thực hoặc nhốt mình trong phòng cả ngày trời.

Chị Nguyễn Thu Phượng, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi “điếng” người khi cô giáo cho biết con trai (học lớp 8) đã yêu bạn cùng lớp. “Tham vấn” ý kiến của các anh chị đi trước, mọi người đều khuyên tôi phải nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu, thay vì đánh mắng. Ở tuổi “dở hởi” này, nếu dùng đòn roi sẽ “xôi hỏng bỏng không”. Nghe lời mọi người, tôi ngồi trò chuyện, vừa phân tích, giải thích, vừa khuyên nhủ, hướng con đến những gì tốt đẹp nhất ở lứa tuổi học trò. Sau đó, cháu nghe lời tôi và đang có tình bạn khác giới rất tốt đẹp.

Có thể thấy, giai đoạn VTN là tuổi có nhiều đột phá quan trọng trong cuộc đời con người. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm, giáo dục của nhà trường, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, làm bạn với con, tôn trọng tính độc lập của con, giáo dục giới tính và tập dần khả năng xử lý tình huống cho con… 

https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202303/giao-duc-gioi-tinh-cho-tre-can-su-quan-tam-cua-nha-truong-va-gia-dinh-ba647b2/
Các tin khác: