Giữ nghiêm kỷ luật ở Đảng bộ T.P Thái Nguyên

Cập nhật ngày: 22/05/2018 08:19 (Lượt xem: 960)
Là đảng bộ có quy mô về tổ chức và số lượng đảng viên lớn nhất tỉnh nên để xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh toàn diện, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã coi trọng tất cả các mặt công tác. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được Đảng bộ đặc biệt quan tâm…

Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Đảng bộ Thái Nguyên.

 

Hiện nay, Đảng bộ T.P Thái Nguyên có 76  tổ chức cơ sở đảng với trên 23 nghìn đảng viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020, những năm qua bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được cấp ủy thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Đối với công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) luôn được Đảng bộ coi trọng, xác định là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Ngay sau Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã ban hành Quy chế làm việc của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra, xây dựng Chương trình công tác KT, GS toàn khóa, các quy chế phối hợp trong công tác KT, GS và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp Đảng bộ trong giám sát thường xuyên các chi, đảng bộ trực thuộc. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Nguyên đã hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT, GS theo quy định.

Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm KT, GS trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng nên từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã chỉ đạo UBKT Thành ủy từng bước đổi mới phương pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ KT, GS đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tăng cường công tác KT, GS trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý đất đai, xây dựng Đảng, giám sát việc thi hành pháp luật và thực hiện kiến nghị, thông báo kết luận sau kiểm tra, giám sát của cấp trên; xây dựng và ban hành các văn bản để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác KT, GS theo chương trình, hướng dẫn của Trung ương, của cấp ủy, UBKT cấp trên. Cụ thể nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án số 03 - ĐA/TU, ngày 14/4/2016 về Nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư, khiếu nại kỷ luật Đảng và thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ thành phố Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020”; Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy chế giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thanh tra và hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra, ra Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020; ban hành 5 bộ quy trình và chỉ đạo UBKT Thành ủy xây dựng, ban hành 12 bộ quy trình tiến hành công tác KT, GS, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, thi hành kỷ luật Đảng… theo thẩm quyền.

Với việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản trên đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS, thi hành kỷ luật đảng trong toàn Đảng bộ thành phố, làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết TW 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Xác định đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra là khâu then chốt, quyết định đối với lĩnh vực này nên ngay sau Đại hội, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã quan tâm xây dựng bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đảng trong đó có công tác KT, GS cho các đối tượng là bí thư, phó bí thư, chủ nhiệm UBKT các đảng bộ cơ sở, chi ủy viên phụ trách công tác kiểm tra ở các chi bộ cơ sở và bí thư, cấp ủy chi bộ dưới cơ sở.

Do vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Thái Nguyên đã tổ chức 15 cuộc KT, GS chuyên đề đối với 57 lượt cấp ủy và 06 phòng ban, đơn vị của thành phố. Cấp ủy cơ sở đã tổ chức được 319 cuộc kiểm tra và 276 cuộc giám sát. UBKT các cấp đã tổ chức 325 cuộc kiểm tra và 279 cuộc giám sát. Nội dung các cuộc kiểm tra giám sát được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm gắn sát với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý đất đai, xây dựng Đảng, giám sát việc thi hành pháp luật và thực hiện kiến nghị, thông báo kết luận sau kiểm tra, giám sát của Trung ương, của tỉnh và thành phố; đồng thời cấp ủy thành phố đã quan tâm chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc chú trọng công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên.

Qua kiểm tra, giám sát, ngoài việc chỉ ra những ưu điểm để phát huy, những hạn chế, khuyết điểm để chỉ đạo có giải pháp khắc phục, kịp thời xử lý theo quy định các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đã lồng ghép việc tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đối với công tác KT, GS, thi hành kỷ luật đảng ở các cơ sở. Việc phối hợp trong công tác KT, GS giữa UBKT Thành ủy với HĐND, UBND thành phố, các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chặt chẽ, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, ban, ngành trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giữ gìn kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị trên địa bàn trong sạch, vững mạnh.

Công tác thi hành kỷ luật đảng viên của Đảng bộ thành phố được thực hiện đảm bảo đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Đảng góp phần giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm tái diễn, đồng thời khắc phục một số sai phạm trong công tác quản lý kinh tế, đất đai và thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; giữ vững kỷ luật kỷ cương của đảng, tạo được lòng tin và ổn định tình hình chính trị của địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Nguyên: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KT, GS của Đảng bộ thành phố vẫn còn tồn tại một số khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới như một số cấp ủy cơ sở chưa tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT, GS theo quy định của Điều lệ Đảng. Do đó, một số cuộc KT, GS hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm còn chưa nhiều. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác KT, GS của cơ sở có đơn vị còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Trước những thuận lợi, khó khăn nêu trên, Đảng bộ thành phố Thái Nguyên xác định một số giải pháp cần thực hiện trong công tác KT, GS từ nay đến cuối nhiệm kỳ, như: Tập trung nghiên cứu, đổi mới phương pháp KT, GS của Đảng, gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp theo Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 21/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 14/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên khóa XVII; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT trước hết là người đứng đầu cấp ủy về công tác KT, GS, kỷ luật của Đảng; tăng cường tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác KT, GS. Đối với công tác KT, GS cần tăng cường phân công cán bộ chuyên trách để phụ trách, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, trong đó coi trọng công tác dự báo tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả và nâng cao chất lượng tự KT, GS; chú trọng giám sát việc thực hiện các thông báo kết luận sau KT, GS. Kịp thời xây dựng, bổ sung các quy trình tiến hành công tác KT, GS đảm bảo quy định hiện hành và nghiêm túc thực hiện đúng quy trình. Xây dựng nội dung các cuộc KT, GS cần có trọng tâm trọng điểm, tập trung những vấn đề phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị; kết quả KT, GS kết luận phải khách quan, chính xác. Chú trọng công tác xây dựng cán bộ UBKT các cấp có đủ năng lực, kinh nghiệm giúp công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT, GS đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới. Tăng cường và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy chế phối hợp giữa UBKT với các ban ngành liên quan trong công tác KT, GS. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác GS và phản biện xã hội.

Từ những kết quả đạt được thời gian qua và các giải pháp nêu trên, chắc chắn Đảng bộ T.P Thái Nguyên sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác KT, GS để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: