Giúp hội viên tiêu thụ nông sản an toàn

Cập nhật ngày: 15/03/2018 02:52 (Lượt xem: 971)
Với mục đích nâng cao giá trị sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản an toàn, từ năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Hỷ đã triển khai mô hình Hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Dù mới được triển khai song mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Chị Bằng Thị Sáu, Tổ Trưởng Tổ liên kết phụ nữ sản xuất và kết nối tiêu thụ gạo Thiên ưu 8, thu mua gạo của các thành viên.

 

Năm 2017, Hội LHPN huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện chỉ đạo Hội LHPN xã Nam Hoà vận động hội viên trồng giống lúa mới Thiên ưu 8 theo chủ trương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn của huyện để phát triển vùng sản xuất. Cùng với đó, để nâng cao giá trị kinh tế của mặt hàng lúa, gạo, Hội thành lập Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo Thiên ưu 8 (Tổ liên kết) xã Nam Hoà với 12 thành viên, thuộc các hộ có diện tích cấy lúa nhiều tham gia. Các hộ tham gia trồng giống lúa mới được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón… Khi lúa được thu hoạch, Hội đã giúp kết nối thị trường tiêu thụ gạo bằng cách đăng tin quảng bá trên mạng xã hội; mang sản phẩm gạo đi tham gia giới thiệu các hội chợ trưng bày nông sản…

Chị  Liễu Thị Thanh, một thành viên trong Tổ chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 3.000m2 ruộng. Với diện tích này, tôi chủ yếu cấy giống lúa mới Thiên ưu 8 vì chất lượng gạo ngon và cho năng suất hơn các giống cũ. Mỗi năm, tôi thu được từ 15-20 tạ thóc. Nếu như trước đây, tôi thường mang gạo ra chợ bán với giá thấp (từ 10.000 - 12.000 đồng/kg), thậm chí có những ngày ngồi cả buổi ở chợ cũng không bán hết lại phải chở về. Từ khi tham gia Tổ liên kết, sản phẩm của tôi được Tổ thu mua, tôi không phải lo lắng về đầu ra hay giá cả nữa. Cũng nhờ vậy, tôi vẫn tranh thủ làm thêm được nhiều việc khác.

Chị Bằng Thị Sáu, Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: Nhờ thực hiện tốt khâu giới thiệu nên ngày càng có nhiều khách hàng biết đến, sản phẩm làm ra luôn rất dễ bán. Có thời điểm trong kho không có gạo để bán cho khách. Giá bán dao động từ 13.000 - 15.000  đồng/kg, cao hơn so với chị em bán trước đó khoảng 3.000-4.000 đồng. Hơn thế nữa, chị em lại không phải vất vả, mất thời gian mang ra chợ bán, không lo giá cả bấp bênh vì chúng tôi đã có một lượng khách ổn định. Theo chị Sáu, ban đầu nhiều người còn e ngại chưa muốn tham gia vào Tổ, nhưng sau đó, thấy đầu ra ổn định, lại giảm thời gian, công sức nên đã tích cực hưởng ứng. Từ khi thành lập đến nay, Tổ phụ nữ liên kết đã bán được khoảng trên 5 tấn gạo.

Từ thành công của mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ tiếp tục thành lập Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi Diễn tại xã Văn Hán với diện tích 9 ha; Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, HTX Chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại thị trấn Sông Cầu… Song song với việc thành lập các Tổ liên kết, Hội LHPN huyện đã thành lập cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn tại xóm Vải, xã Hoá Thượng. Để tạo điều kiện cho các mô hình được duy trì phát triển, Hội LHPN huyện đã tổ chức cho hội viên ký cam kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm bán tại các thị trường lớn (T.P Thái Nguyên, Hà Nội)…thông qua rao bán các sản phẩm an toàn (theo mùa vụ trên mạng xã hội; phân công cán bộ Hội phụ trách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; in danh thiếp để giới thiệu sản phẩm và cơ sở sản xuất; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, đề xuất cho các hộ vay vốn; chú trọng vấn đề giống, quy trình sản xuất, hỗ trợ vận chuyển, in bao bì….Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, các bếp ăn bán trú trên địa bàn cùng vào cuộc nhằm giúp người dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ cho hay: Bằng các hình thức, cách làm khác nhau việc hỗ trợ các mô hình kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn tại đây bước đầu đã thu được kết quả. Sản phẩm nông sản an toàn của hội viên sản xuất ra đã được nhiều người biết đến, đặt mua và giá bán ổn định hơn. Song khi thực hiện mô hình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn như: một số hộ dân chưa chú ý tới sản xuất nhóm hộ mà vẫn mạnh ai nấy làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, trong khi đó các doanh nghiệp chế biến thường ký hợp đồng tiêu thụ với các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định; người tiêu dùng thiếu thông tin cũng như cách nhận diện sản phẩm an toàn; một số khác thích dùng các sản phẩm giá rẻ, chưa có thói quen sử dụng nông sản rõ nguồn gốc…

Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ phụ nữ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xây dựng và bổ sung các quy chế của các tổ phụ nữ liên kết chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ lợi nhuận, rủi ro; tiếp tục đề xuất với huyện, để có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản; đề xuất các ngành chức năng tăng cường kiểm tra sản phẩm nông sản, thực phẩm mất an toàn vệ sinh nhất là tại các chợ cóc, chợ dân sinh để tạo môi trường cạnh tranh cho sản phẩm nông sản an toàn; liên kết với doanh nghiệp, kết nối với Tổ phụ nữ liên kết của huyện với các địa phương khác để hợp tác đầu tư và tiêu thụ sản phẩm…Để làm được những điều đó, ngoài sự tâm huyết, quyết tâm của các chị em thì cần thêm sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Có vậy, thì các Tổ liên kết phụ nữ mới thực sự là kênh phân phối sản phẩm nông sản hữu hiệu, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: