Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật ngày: 03/06/2020 11:07 (Lượt xem: 961)
Hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cầu cho nền kinh tế cũng như kích thích các doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại để tạo thị trường. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4 năm nay, kết quả giải ngân VĐTC trên địa bàn tỉnh mới đạt 19% kế hoạch vốn và dự kiến đến hết tháng 5 đạt 24% (thấp hơn so với cùng kỳ năm trước). Từ thực tế này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các chủ đầu tư cũng như có các giải pháp và cả chế tài đủ mạnh nhằm khơi thông nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC.

Dự án đường Thắng Lợi kéo dài do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng T.P Sông Công làm chủ đầu tư hiện vẫn chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn (kế hoạch vốn năm 2020 trên 6 tỷ đồng).

 

Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả nguồn vốn năm 2019 được kéo dài thanh toán sang năm 2020) là 4.159 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 1.142 tỷ đồng (gồm các chương trình mục tiêu, vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, trái phiếu Chính phủ do địa phương quản lý, vốn dự phòng ngân sách Trung ương, vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi), còn lại 2.622 tỷ đồng là nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương.

Có thể nói, việc giải ngân VĐTC trong những tháng qua trên địa bàn tỉnh còn chậm. Đáng chú ý là tính đến ngày 15-4, trong số các dự án được giải ngân năm nay vẫn còn tới 114 dự án chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn. Theo ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số dự án giải ngân đạt kết quả thấp. Đối với các dự án chưa thực hiện giải ngân thì đa phần là các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư; một số dự án tạm ứng kế hoạch vốn năm trước tiếp tục thi công để hoàn ứng vốn nên chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, hiện các chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai thực hiện, sau khi có đầy đủ khối lượng và thủ tục đầu tư mới tiến hành giải ngân. Cùng với đó, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, cả nước phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Đối với một số dự án, chủ đầu tư ưu tiên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đang chờ phương án giải phóng mặt bằng được duyệt để giải ngân nên chưa giải ngân cho khối lượng xây lắp đã nghiệm thu. Thời tiết những tháng đầu năm mưa nhiều và một số địa phương chưa điều chỉnh được kế hoạch VĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 (do thẩm quyền điều chỉnh thuộc HĐND tỉnh) nên chưa thể giao kế hoạch vốn năm 2020… Đại diện một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) cho rằng, nguyên nhân còn là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc phân bổ, phân khai giao vốn đến từng dự án còn chậm; riêng ở nguồn vốn ODA Trung ương hỗ trợ theo hình thức ghi thu, ghi chi và việc giải ngân phụ thuộc vào tiến độ… Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chủ đầu tư, BQLDA, từ tháng 6, khi các thủ tục pháp lý có liên quan được hoàn tất, chắc chắn tiến độ giải ngân các dự án sẽ được đẩy mạnh.

Dự án xây dựng tháp ăng ten truyền hình ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư hiện đã giải ngân được trên 23 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 50% kế hoạch vốn năm 2020.

Có nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân VĐTC trong 5 tháng qua đạt thấp, nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố chủ quan. Bởi bên cạnh một số chủ đầu tư triển khai đạt kết quả rất thấp, như huyện Định Hóa hết tháng 4 mới đạt 6%, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương đạt 17%, thì nhiều địa phương như T.X Phổ Yên, T.P Sông Công đều đã đạt trên 40%, hoặc như BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tính đến ngày 20-5 đã đạt tỷ lệ 46%. Vậy, cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC? Bà Nguyễn Thị Bảo Hường, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu cho tỉnh hoàn thành việc phân bổ phần kinh phí chưa phân khai chi tiết đến từng dự án để các chủ đầu tư, BQLDA có cơ sở thực hiện trong quý II. Đồng thời đề xuất đến hết tháng 6, những dự án chưa hoặc chậm triển khai thực hiện sẽ điều chỉnh kế hoạch vốn sang dự án có khối lượng hoàn thành còn thiếu vốn, có khả năng giải ngân nhanh và đây cũng là kiến nghị mà đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa ra…

Bên cạnh đó, ông Phạm Duy Hùng đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND cho phép UBND tỉnh giao kế hoạch vốn năm 2020 đối với những dự án được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng đã hoàn tất thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn và sẽ báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại kỳ họp gần nhất. Các dự án không có khả năng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 đề nghị điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn, không thực hiện chuyển nguồn sang năm sau…

Từ thực tế cho thấy, nếu việc giải ngân VĐTC được thực hiện hiệu quả sẽ mang lại lợi ích rất lớn đối với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực hiện nay. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện dự án đầu tư công cần được đặc biệt đề cao, đồng thời cũng cần kiên quyết cho điều chỉnh nguồn vốn đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp hoặc không thực hiện giải ngân theo kiến nghị của các sở, ngành chức năng.

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dau-tu/go-kho-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-271638-102.html
Các tin khác: