Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Cập nhật ngày: 19/07/2019 10:10 (Lượt xem: 973)
Những năm gần đây, người dân ở Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã có nhiều thay đổi trong sản xuất và chế biến chè, nhất là tích cực áp dụng quy trình VietGAP. Từ đây, sản phẩm chè làm ra được cải thiện về chất lượng, nâng cao giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thu hái chè tại Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh.

 

Cây chè bén rễ trên đất Minh Hợp từ năm 1975 khi một số bà con ở Hà Tây lên đây khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua thời gian, đến nay, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Hiện 100% các hộ dân ở xóm Minh Hợp (125 hộ) chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh chè. Tổng diện tích đất tự nhiên của xóm là 90ha thì có tới 63ha chè kinh doanh, trong đó các giống chè lai như: LDP1, Tri777, Phúc Vân Tiên… chiếm hơn 40%. Mỗi năm, xóm sản xuất được gần 160 tấn chè búp khô, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Anh Trương Vương Anh, một người dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi có trên 1ha chè. Với giá bán trung bình 150.000-180.000 đồng/kg chè búp khô, mỗi năm gia đình tôi thu được trên 300 triệu đồng từ diện tích chè này.

Bên cạnh việc quan tâm chăm sóc, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, những năm gần đây, người dân trong xóm đã quan tâm đến sản xuất chè an toàn để góp phần bảo vệ sức khỏe của gia đình, người thân và người tiêu dùng. Từ năm 2015, một số hộ dân trong xóm đã bắt đầu sản xuất chè VietGAP, đến nay, diện tích chè VietGAP của xóm đã tăng lên 10ha (gấp 2 lần diện tích năm 2015). Ông Tô Văn Xanh, một hộ dân ở xóm Minh Hợp chia sẻ: Mặc dù làm chè an toàn rất kỳ công, chi phí cũng nhỉnh hơn đôi chút so với cách làm chè thông thường, song cái được lớn nhất của làm chè an toàn là sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng được bảo đảm. Nếu sử dụng tràn lan các loại thuốc hóa học như trước kia, người chăm sóc, chế biến sẽ phải hứng chịu trước tiên. Nhận thức được điều đó, chúng tôi bảo nhau chuyển sang sử dụng các loại phân bón sinh học, phân hữu cơ thay vì phân đạm như trước kia, chuyển từ thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Nhờ đó, chất lượng chè được nâng lên, giá trị kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích cũng tăng theo, trung bình gia đình tôi bán được khoảng 200-250 nghìn đồng/kg chè búp khô.

Ngoài ra, người dân trong xóm cũng tích cực sử dụng các thiết bị máy móc để giảm sức lao động, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, trung bình mỗi gia đình ở xóm Minh Hợp có từ 2-3 chiếc tôn sao chè, máy vò chè. Những thiết bị này đều chạy bằng điện giúp người dân đỡ vất vả khi chế biến chè. Từ năm 2012 đến nay, người dân đã dần thay thế tôn sao chè được làm bằng sắt sang sử dụng tôn sao chè inox. Đến nay, 70% số hộ dân chế biến chè bằng tôn inox. Theo người dân, tôn inox bền hơn, lại sạch, không gỉ nên không ảnh hưởng đến chất lượng chè. Bên cạnh đó, hiện 100% người dân trong xóm sử dụng lò sao chè cải tiến, giúp tiết kiệm củi, chất đốt, giảm thời gian chế biến và hạn chế khói, bụi.

Từ sự nỗ lực của người dân, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên. Sản phẩm chè của làng nghề nhận được giải Nhất Búp chè vàng tại Festival chè năm 2015. Người dân làng nghề cũng vinh dự được nhận giải Nhất Bàn tay vàng; giải Nhì trình diễn pha trà tại Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương năm 2017… Năm 2019, Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Minh Hợp là 1 trong 2 làng nghề trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh chọn làm làng nghề điểm để hỗ trợ, nhân rộng và tạo sức lan tỏa.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hạnh, Trưởng Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Minh Hợp cho biết: Hiện người dân trong xóm bán được khoảng 120.000-130.000 đồng/kg chè búp khô, có những nhà bán được giá từ 250-300 nghìn đồng/kg, cao hơn thời điểm năm 2011 từ 60.000-100.000 đồng/kg. Một phần nhờ hiệu quả kinh tế thu được từ cây chè, người dân trong xóm đã nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu. Nếu như trước năm 2015, số hộ nghèo trong xóm luôn duy trì ở mức 10-15 hộ thì đến nay xóm chỉ còn 1 hộ nghèo. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng quy trình VietGAP, sản phẩm chè của làng nghề đã an toàn hơn. Từ nay cho tới năm 2020, Làng nghề phấn đấu tăng diện tích chè an toàn thêm từ 5-10ha.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: