Hiệu quả từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở Võ Nhai

Cập nhật ngày: 10/01/2019 09:03 (Lượt xem: 957)
Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" ở huyện Võ Nhai được Hội nông dân các cấp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Qua đó, Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng xuất hiện nhiều hội viên nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Mô hình kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nuôi gà đẻ trứng, nuôi lợn thịt đã đem lại cho gia đình ông Trần Xuân Phương nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

 

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Vũ Đình Vụ, xóm Đồng Danh, xã Tràng Xá, được thỏa thê ngắm nhìn những quả bưỡi Diễn vàng óng, nặng trĩu cành. Chúng tôi thử đếm số quả trên cây đã trồng được chục năm, là gần 200 quả.

Theo ông Vụ, nếu với giá bán 30 nghìn đồng/quả như năm ngoái, cây này sẽ mang lại nguồn thu nhập hơn 5 triệu đồng. Ông Vũ Đình Cụ cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 300 cây bưởi Diễn, trong đó có trên 100 cây đã cho thu hoạch và 30 cây bưởi Hoàng. Mỗi năm, số cây bưởi này cho thu hoạch trên 8.000 quả, đem lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài trồng bưởi, tôi còn nuôi thêm 20 thùng ong, đem lại nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/năm...

Khác với ông Vụ, ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng lại chọn mô hình kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và chăn nuôi lợn thịt để phát triển kinh tế. Từ năm 2000, gia đình ông Phương bắt đầu xây dựng cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi phục vụ bà con trong xã. Những năm gần đây, thấy việc kinh doanh đem lại hiệu quả cao, gia đình ông tiếp tục mở rộng cửa hàng để làm đại lý cấp 1 bán cám cho Công ty Thức ăn chăn nuôi AFC (ở tỉnh Hải Dương). Cùng với đó, gia đình ông còn chăn thêm trên 50 con lợn thịt, 150 con gà mái đẻ trứng. Mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Phương đã đem lại nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Vụ và ông Phương chỉ là 2 trong số hàng nghìn tấm gương tiêu biểu trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", trở thành địa chỉ tin cậy của bà con trong huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Võ Nhai cho biết: Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được các cấp Hội triển khai sâu rộng và hiệu quả... Ngay từ đầu năm, Hội đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, giúp hội viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của phong trào. Huyện Hội cũng chỉ đạo các Hội, chi hội cơ sở tổ chức cho hội viên đăng ký, phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày từ đầu năm để tạo không khí thi đua, phấn đấu. Năm 2018, toàn huyện có trên 6.200 hộ đăng ký đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua khảo sát, bình xét, có gần 3.000 nghìn hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng trên 150 hộ so với năm 2017.

Những năm qua, để phong trào đạt hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân huyện Võ Nhai đã có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật... Cụ thể, trong năm 2018, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức được gần 200 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật với gần 1.200 lượt người tham gia. Hội Nông dân các xã cũng tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả...

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với NHCSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn để đầu tư cho sản xuất. Hiện, Hội đang quản lý 67 tổ vay vốn và tiết kiệm NHCSXH với tổng dư nợ trên 85 tỷ đồng và 66 tổ liên kết vốn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ trên 117,6 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, Hội còn tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại các mô hình, điển hình tiên tiến trong và ngoài huyện. Riêng năm 2018, Hội đã phối hợp với Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho 30 hội viên Tổ nghề nghiệp trồng na La Hiên, xã La Hiên đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc và bảo quản na tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn)...

Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều và đã trở thành điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của người nông dân trong và ngoài huyện, điển hình như: Mô hình trồng na ở xã La Hiên, trồng bưởi diễn ở Tràng Xá, Cam vinh ở xóm Yên Ngựa (xã Lâu Thượng), mô hình trồng chuối Thái Lan, chè vàng ở xã Nghinh Tường...

Nếu như 5 năm trở về trước, những hộ nông dân có thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng đã trở thành điển hình ở huyện thì nay ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập 600-700 triệu đồng, thậm chí trên 1 tỷ đồng. Điển hình như các hộ: Hà Quốc Vượng có thu nhập gần 600 triệu đồng từ mô hình trồng chuối Thái Lan, cây dược liệu; Chu Thanh Phong có thu nhập trên 1 tỷ đồng từ mô hình kinh doanh hàng tạp hóa, trồng bưởi diễn và chăn nuôi vịt; Trần Xuân Phương, có thu nhập trên 1 tỷ đồng với mô hình kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, chăn nuôi gà đẻ trứng và lợn thịt...

Ông Hà Văn Vượng, ở xóm Bản Chang, xã Nghinh Tường cho biết: Sau khi được tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài huyện, tôi đã mạnh dạn dồn nguồn vốn hiện có và vay ngân hàng để trồng chuối Thái Lan và cây dược liệu, kết hợp chăn nuôi. Hiện nay, tôi đang trồng trên 10ha cây chuối Thái Lan, vừa này cho thu hoạch gần 200 tấn quả, đem lại nguồn thu gần 600 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ phân bón và giá giống cây trồng, gia đình tôi cũng trồng thêm được 2ha cây ba kích, 1ha đinh lăng, 3ha chè vàng. Dự kiến, khoảng 1 năm nữa, diện tích chè hoa vàng sẽ bắt đầu cho thu nhập. Ngoài ra, tôi cũng đang nuôi thử nghiệm 300 con chim trĩ, 6 con đà điểu, nếu thấy hiệu quả thì tôi sẽ nhân rộng trong năm tới...

Có thể nói, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" ở huyện Võ Nhai đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo động lực quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: