Hồ sơ bệnh án điện tử: Lợi ích kép cho cả người bệnh và cơ sở y tế

Cập nhật ngày: 08/04/2024 10:47 (Lượt xem: 957)
Với việc triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử vào đầu tháng 4 năm nay, Bệnh viện C là đơn vị đầu tiên trực thuộc Sở Y tế ứng dụng nghiệp vụ yêu cầu cao này vào công tác chuyên môn. Hồ sơ bệnh án điện tử không đơn thuần chỉ là thay đổi phương thức quản lý bệnh án mà còn tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, tạo ra lợi ích kép cho cả bệnh nhân và bệnh viện.

Nhân viên y tế của Bệnh viện C báo cáo quy trình tiếp nhận bệnh nhân hồi sức cấp cứu với đại diện Hội tin học y tế Việt Nam và Sở Y tế Thái Nguyên

Gần đây, khu vực phòng Khám bệnh của Bệnh viện C Thái Nguyên không còn cảnh hàng trăm bệnh nhân xếp hàng chờ đến lượt như trước kia. Thay vì xếp hàng đợi khám trong thời gian dài, người bệnh chỉ cần dùng căn cước công dân quét vào một trong ba ki ốt thông minh tại khu vực đón tiếp để đăng ký khám. Việc quét mã này không chỉ đơn thuần lấy số thứ tự, mà toàn bộ dữ liệu về người bệnh sẽ được chuyển đến phòng khám, giúp bác sĩ nhận diện bệnh nhân trước khi bắt đầu khám bệnh, giảm thời gian đợi chờ, thời gian khám bệnh cho bệnh nhân.

Bà Dương Thị Cúc, xã Đắc Sơn, TP. Phổ Yên chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đi khám, tôi mất khá nhiều thời gian để chờ đợi, nhưng nay đã nhanh hơn rất nhiều. Đồng thời, tôi không phải tự quản giấy tờ khám chữa bệnh rất phức tạp. Còn anh Vũ Minh Nguyện, phường Châu Sơn (TP. Sông Công) lại chia sẻ: Toàn bộ quy trình, hồ sơ khám chữa bệnh được số hoá nên giảm thiểu được rất nhiều thời gian tiếp nhận, xử lý giấy tờ, hồ sơ. Ngay cả việc thanh toán cũng được thực hiện nhanh chóng bằng mã QR tại quầy thu phí.

Hồ sơ bệnh án điện tử là mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia, trong đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh được triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Hiện, toàn quốc mới chỉ có 76 cơ sở y tế áp dụng thành công bệnh án điện tử trong hoạt động khám chữa bệnh.

Hồ sơ bệnh án điện tử được số hóa không cần dùng giấy tờ, sổ sách mà được nhập, xuất, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý qua chứng thực số bằng vân tay, chữ ký số. Thông tin sức khỏe của người bệnh, tiền sử bệnh được lưu giữ đầy đủ, dễ dàng khi truy cập qua mạng internet. Nhân viên y tế chỉ mất thời gian ngắn để truy cập hồ sơ bệnh án khai thác thông tin và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời nên có nhiều thời gian hơn để thăm khám và tư vấn kỹ hơn cho người bệnh. Với bệnh nhân nội trú, bệnh án điện tử cũng giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác, an toàn và nhanh chóng.

Đại diện Hội tin học y tế Việt Nam và Sở Y tế Thái Nguyên kiểm tra quy trình triền khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện C
Đại diện Hội tin học y tế Việt Nam và Sở Y tế Thái Nguyên kiểm tra quy trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện C

Bác sĩ cao cấp Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện C cho biết: Việc triển khai bệnh án điện tử không đơn thuần chỉ là thay đổi phương thức quản lý bệnh án, mà còn tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đơn cử như tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện hiện đã được trang bị 6 máy xét nghiệm kết nối hai chiều, 8 máy kết nối 1 chiều trực tuyến với máy chủ, hệ thống phần mềm in kết quả tự động.

Khi bệnh nhân đưa mã phiếu chỉ định, nhân viên y tế quét mã để truy xuất dữ liệu và tiến hành lấy mẫu nhập vào máy xét nghiệm. Các bước sau đó được thực hiện tự động từ quy trình xử lý mẫu, xét nghiệm cho đến cập nhật dữ liệu trên máy chủ để các bộ phận liên quan và cả người bệnh dễ dàng truy xuất. Đặc biệt, hệ thống này còn quản lý được cả vật tư tiêu hao cho các máy xét nghiệm. Từ đó, giúp nhân viên của đơn vị có kế hoạch cung ứng vật tư bảo đảm thông suốt hoạt động.

Để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, gần 1 năm qua, Bệnh viện C đã hoàn thiện các hệ thống, như: Quản lý bệnh viện (HIS), quản lý thông tin phòng xét nghiệm (LIS), thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), bệnh án điện tử (EMR). Các hệ thống này đã kết nối và chạy đồng bộ. Bệnh viện cũng nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chữ ký số, hoàn thiện quy trình bệnh án điện tử từ khâu tiếp nhận, khám chữa bệnh tới chứng thực số cho kết quả điều trị của bệnh nhân.

PGS, TS. Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học y tế Việt Nam: Bệnh viện C đã làm rất tốt quy trình để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và hiện đã đạt độ hoàn thiện ở mức cao.

Qua kiểm tra thực tế tại Bệnh viện C, PGS, TS. Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam khẳng định: Bệnh viện C đã làm rất tốt quy trình để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và hiện đã đạt độ hoàn thiện ở mức cao. Đơn vị chỉ cần quan tâm thêm một số nội dung về bảo mật, phương án dự phòng, mở rộng đối tượng áp dụng chữ kỹ số… để bảo đảm hoạt động hiệu quả của hệ thống.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Tỉnh Thái Nguyên có 25 đầu mối trực thuộc Sở Y tế trong đó có 8 bệnh viện tuyến tỉnh. Những năm qua, chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện truyến tỉnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hồ sơ bệnh án giấy, số hóa hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn. Việc ứng dụng bệnh án điện tử không chỉ thuận lợi cho bệnh viện trong việc quản lý, điều hành, cải cách quy trình khám, chữa bệnh mà còn phục vụ hiệu quả cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch. Đồng thời, mang lại lợi ích thiết thực, giảm phiền hà cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Với hơn 560 cán bộ, viên chức, người lao động, Bệnh viện C trung bình mỗi ngày khám, chữa bệnh cho khoảng 500 bệnh nhân và làm thủ tục xuất viện cho khoảng 170 bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho gần 300 lượt bệnh nhân… Khi chưa áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, mỗi ngày bệnh viện sử dụng trung bình tới 6 nghìn tờ giấy in hồ sơ bệnh án các loại.
https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202404/ho-so-benh-an-dien-tu-loi-ich-kep-cho-ca-nguoi-benh-va-co-so-y-te-d7606ea/
Các tin khác: