Học Bác từ những việc làm cụ thể

Cập nhật ngày: 08/05/2019 10:57 (Lượt xem: 967)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng xóm Viến Ván, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) ngày càng khởi sắc là một trong những cách làm được người dân nơi đây tích cực thực hiện. Đến nay, Viến Ván không còn hộ nghèo, nhân dân đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế, nhiều năm liên tục đạt xóm văn hóa, Chi bộ xóm nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh…

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Lâm Văn Trọng.

 

Xóm Viến Ván hiện có 32 hộ sinh sống, 100% là đồng bào dân tộc Nùng. Xóm nằm cách trung tâm xã khá xa, muốn vào đó phải đi qua vài con dốc đồi quanh co nhưng do tuyến đường trục xóm đã được mở rộng và bê tông hóa 100% nên việc đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Ông Lâm Việt Dũng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Viến Ván cho biết: Khoảng 5 năm nay, xóm đã có sự thay đổi về mọi mặt, đặc biệt là đời sống của nhân dân và hạ tầng xóm. Ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, người dân trong xóm luôn nỗ lực và có sự đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế, chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng các công trình sinh hoạt chung như nhà văn hóa, đường giao thông… Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa lớn ở xóm. Đã có nhiều tấm gương học và làm theo Bác ở mọi lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau thoát nghèo, hiến đất làm đường…

Cùng ông Dũng đi một vòng quanh xóm, chúng tôi có dịp thăm quan những mô hình kinh tế được đầu tư quy mô rộng cả hecta ở đây. Diện tích đất ở Viến Ván chủ yếu là đất đồi nên toàn xóm có đến một nửa số hộ tham gia làm mô hình cây ăn quả trên tổng diện tích khoảng 20ha. Không những chăm chỉ mà bà con còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong chăm sóc, phát triển cây trồng nên hầu như mô hình nào cũng đem lại hiệu quả, nhiều loại cây mới cũng được người dân mạnh dạn đưa vào trồng như cây trám đen, cây nho đỏ…

Ông Lâm Văn Trọng, một điển hình trong phát triển kinh tế ở xóm này cho biết: Cách đây 4 năm về trước, diện tích đất của gia đình tôi chủ yếu là trồng rừng hoặc bỏ không nên hiệu quả kinh tế cao không cao. Sau khi đi tham khảo các mô hình kinh tế ở trong xóm và nhiều địa phương khác, tôi quyết tâm đầu tư vào trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà. Gia đình tôi hiện có trên 1ha cây ăn quả các loại và 1 mô hình chăn nuôi gà thịt với quy mô 3.000 con/lứa, trừ chi phí tôi còn được lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Tôi cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người khác với mong muốn Viến Ván sẽ có thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống của người dân sẽ ngày càng được nâng lên.

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, người dân ở Viến Ván còn luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, xóm thường xuyên động viên, phân công các đoàn thể tạo điều kiện, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cây con giống để giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo. Do đó số hộ nghèo ở Viến Ván giảm dần theo các năm và đến năm 2016 toàn xóm đã không còn hộ nghèo.

Chị Phương Thị Hè không khỏi xúc động khi chia sẻ chuyện thoát nghèo của gia đình với chúng tôi. Chị bảo: Năm 2016, gia đình tôi là hộ nghèo duy nhất ở xóm, nhà neo người, ruộng đất cũng không có nhiều nên cái đói cái nghèo đeo đẳng nhiều năm. Ngôi nhà tránh nắng mưa đã xuống cấp tôi cũng không có điều kiện để sửa. Nhờ có sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, sự động viên giúp đỡ ngày công xây dựng của bà con trong xóm, gia đình tôi mới có được ngôi nhà Đại đoàn kết khang trang, ấm áp tình làng nghĩa xóm. Ổn định chỗ ở, tôi lại được giúp đỡ về hướng phát triển kinh tế, gia đình tôi đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Được biết thời điểm năm 2012, đời sống của bà con ở xóm Viến Ván vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, nhân dân trong xóm vẫn quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng nhau thực hiện các tiêu chí, nhất là việc đối ứng để xây dựng hạ tầng cơ sở.

Ông Dũng nói với chúng tôi: Để hoàn thành việc bê tông hóa đường trục chính, xóm đã phải chia ra làm nhiều giai đoạn để vừa giảm gánh nặng kinh tế cho bà con mà vẫn làm xong đường và thực hiện các tiêu chí khác. Tính ra, trung bình mỗi năm xóm làm khoảng 300m đường bê tông, nhân dân đóng 300.000 đồng/khẩu/năm để đối ứng, làm liên tục trong 6 năm thì hoàn thành xong việc bê tông hóa đường trục chính ở xóm. Trước kia tuyến đường ấy vốn nhỏ, đường khó đi, các hộ dân trong xóm đã hiến rất nhiều đất mới có được con đường rộng rãi như bây giờ. Nói chung, hầu hết các phong trào ở địa phương đều được người dân trong xóm đồng tình nhất trí cao, ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xóm làng khang trang sạch đẹp. Bởi thế, Viến Ván ngày càng có những đổi thay tích cực, bà con chung tay xây dựng đời sống văn hóa, qua đó vừa góp phần gìn giữ bản sắc của dân tộc vừa đẩy mạnh các phong trào ở địa phương.

Có thể thấy việc học tập và làm theo Bác ở xóm Viến Ván không hề hình thức, chung chung mà đi vào việc làm cụ thể nên đã tạo được sức lan tỏa đến với mọi người dân, tạo ra phong trào thi đua “người tốt việc tốt”. Những tấm gương, việc làm điển hình trên mọi lĩnh vực đã góp phần xây dựng xóm Viến Ván ngày càng khởi sắc.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: