Hướng tới xây dựng vùng sản xuất chè tập trung

Cập nhật ngày: 27/05/2017 09:03 (Lượt xem: 970)
Với hơn 200ha chè hiện có, trong đó có trên 60% diện tích là chè lai, cây chè đang trở thành cây trồng thế mạnh, giúp nhiều nông hộ ở xã vùng cao Tràng Xá (Võ Nhai) vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu. Với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè, xã đang hướng tới xây dựng vùng sản xuất chè tập trung.

Hiện nay, xã Tràng Xá có hơn 200ha chè, trong đó diện tích chè trung du chiếm khoảng 40%, diện tích chè giống mới chiếm khoảng 60%.

 

 

Mùa này, những đồi chè ở Tràng Xá đang trổ búp xanh mát mắt. Không chỉ là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện, Tràng Xá còn là nơi có sản phẩm chè ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho hay: Vào chính vụ, tư thương vẫn tìm về tận nhà các hộ sản xuất chè để thu gom hàng. Giá bán giao động từ 100 đến 150.000 đồng/kg chè búp khô. Dù giá bán chè ở Tràng Xá thấp hơn so với các vùng chè trọng điểm của tỉnh như Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trại Cài (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ)… nhưng vẫn cao hơn khoảng 50.000 đến 80.000 đồng/kg so với các vùng chè khác trong huyện. Đặc biệt, với giá bán này, người dân đã thu lãi kha khá, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

 

Một trong những hộ dân vươn lên thoát nghèo từ cây chè ở Tràng Xá phải kể đến là gia đình ông Lý Văn Hùng ở xóm Thành Tiến. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư thâm canh cây chè nên đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã ổn định. Với khoảng 1 mẫu chè hiện có, năm 2016, gia đình ông thu gần 2 tấn chè búp khô, thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng.

 

Cũng nhờ cây chè, gia đình chị Vương Thị Hường ở xóm Tân Thành đã có cuộc sống khá giả hơn. Bắt đầu trồng chè từ năm 2000, đến nay, gia đình chị đã có hơn 2 mẫu chè. Trung bình mỗi lứa thu trên 3 tạ chè búp khô (một năm thu từ 7 đến 8 lứa), với giá bán bình quân 100 triệu đồng/kg, năm 2016, gia đình chị thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.

 

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, cây chè ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tràng Xá là do bà con nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống chè. Theo ông Hoàng Văn Thế, hộ sản xuất chè giỏi ở xóm Tân Thành, với nhiều ưu điểm như sau 3 năm đã bắt đầu cho thu hoạch (chè trung du mất 5 năm), ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng chè ngon, hương thơm dịu mát… các giống chè lai (LDP1, TRI 777, Kim Tuyên…) được thị trường ưa chuộng. Bởi vậy, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích chè trung du già cỗi để trồng thay thế vào đó các giống chè lai. Hiện nay, gia đình ông Thế đã chuyển đổi 60% trong tổng số hơn 1 mẫu chè của gia đình sang trồng giống chè LDP1. Mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất chè.

 

Nhờ tích cực đầu tư thâm canh và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống chè, khoảng 5 năm trở lại đây, năng suất chè ở Tràng Xá đã tăng lên đáng kể. Năm 2016, năng suất chè của xã đạt khoảng 110 tạ chè búp tươi/ha/năm, tăng khoảng 10-15 tạ/ha/năm so với trước. Tuy nhiên, một thực tế là những năm qua, phát triển sản xuất, chế biến chè ở Tràng Xá vẫn chỉ mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả thu được chưa tương xứng với tiềm năng địa phương. Do đó, để cây chè thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực thì việc xây dựng vùng sản xuất chè theo hướng tập trung là rất cần thiết. Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh sẽ xây dựng 10 ha chè sản xuất tập trung tại xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Việc tỉnh xây dựng vùng sản xuất chè tập trung tại Tràng Xá sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận với các chính sách ưu đãi dành cho phát triển cây chè. Nhất là các hình thức hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, sử dụng giống mới, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sạch cho chè.

 

Dù vậy, để xây dựng thành công vùng sản xuất chè tập trung ở Tràng Xá, bên cạnh việc triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP… và các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm chè; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến chè. Cùng với đó là áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật gắn với sử dụng máy móc, thiết bị phù hợp từ khâu làm đất, chuẩn bị giống, chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh đến chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

 

Xây dựng vùng sản xuất chè tập trung đang là một trong những mục tiêu lớn của tỉnh. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, tỉnh nên quan tâm nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu và sản xuất giống chè; đẩy mạnh công tác bảo tồn, nhập khẩu và khảo nghiệm các giống chè mới, cùng với lai tạo, tuyển chọn, nhân giống các giống chè có năng suất và chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh…; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè… để không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng vùng sản xuất chè tập trung ở Tràng Xá mà còn phục vụ nhu cầu ở các vùng sản xuất chè tập trung trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: