Khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể

Cập nhật ngày: 11/04/2024 02:53 (Lượt xem: 958)
Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư kêu gọi các điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Tiếp đó, ngày 11/4/1964, Bác gửi thư­ cho Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến, đồng thời yêu cầu các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo các HTX nông nghiệp phát triển... Để ghi lại dấu ấn lịch sử của phong trào HTX Việt Nam, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1268/QĐ-TTg công nhận ngày 11-4 hằng năm là Ngày HTX Việt Nam.

Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) hiện có 50 thành viên chính thức và hàng trăm hộ dân liên kết sản xuất chè đặc sản. Ảnh: Lăng Khoa

Trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, các HTX, liên hiệp HTX đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 1945-1954, các hình thức hợp tác chủ yếu là tổ đổi công, HTX phát triển chưa nhiều, năng lực sản xuất còn hạn chế nhưng đã thu hút hàng chục vạn nông dân, thợ thủ công vào con đường làm ăn tập thể.

Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển HTX trong các ngành kinh tế. Từ năm 1961-1965, phong trào kinh tế hợp tác, HTX giai đoạn này tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các HTX bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp được thành lập, thu hút hàng triệu người tham gia. Bên cạnh đóng góp về kinh tế, phong trào HTX còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, như giải quyết việc làm, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống.

Từ năm 1965-1975, mặc dù trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, phong trào HTX vẫn được củng cố và phát triển. Khu vực HTX trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Giai đoạn từ năm 1975-1986, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, các HTX phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Hiện nay, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với người tiêu dùng. 
Hiện nay, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với người tiêu dùng. 

Ở miền Bắc, phong trào cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất trong các HTX nông nghiệp được đẩy mạnh. Quy mô các HTX nông nghiệp mở rộng và tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên môn hóa và cơ giới hóa. Các HTX trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, xây dựng cũng được củng cố và tiếp tục phát triển, hoạt động có hiệu quả.

Năm 1986 được coi là thời kỳ phát triển nhất của phong trào HTX. Liên hiệp HTX tiểu thủ công nghiệp và ban quản lý HTX mua bán đã được tổ chức ở các tỉnh, thành phố phía Nam, hình thành tổ chức quản lý đại diện, hỗ trợ trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và mua bán thống nhất trong toàn quốc. Các cơ quan, tổ chức quản lý và hỗ trợ phát triển HTX trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, tín dụng và các lĩnh vực khác được củng cố.

Từ năm 1987 trở lại đây, phong trào kinh tế hợp tác, HTX đã có những chuyển đổi quan trọng. Khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp từng bước được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế, phần lớn các HTX của ngành kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều HTX kinh doanh thua lỗ, bị tan rã, giải thể.

Tuy nhiên, trong khó khăn, một bộ phận HTX đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả. Từ kinh nghiệm thành công của các HTX trong cơ chế thị trường, quá trình đổi mới kinh tế HTX được đẩy mạnh trong những năm 1990-1996 và từ năm 1997 được gắn kết với việc triển khai thực hiện Luật HTX.

Phát huy kết quả đạt được, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp; sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 760 HTX, 4.562 tổ hợp tác và 5 liên hiệp HTX với trên 200.00 thành viên và người lao động; doanh thu bình quân của HTX ước đạt 6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các hợp tác xã trong tỉnh tại điểm thưởng trà miễn phí đặt tại TP. Thái Nguyên. 
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các hợp tác xã trong tỉnh tại điểm thưởng trà miễn phí đặt tại TP. Thái Nguyên. 

Các tổ hợp tác, HTX đã từng bước củng cố và phát triển, trong đó đã xuất hiện một bộ phận HTX mạnh dạn đổi mới, kịp thời chuyển đổi để thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả. Qua đó, nhiều HTX được các cấp, ngành biểu dương khen thưởng như: HTX chè Hảo Đạt, HTX chè Sơn Dung, HTX chè La Bằng, HTX miến Việt Cường, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, HTX thương mại và dịch vụ Môi Trường Xanh... 

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các HTX đã thể hiện được vai trò là đơn vị chủ trì liên kết các thành viên, hộ dân triển khai các đề án, dự án, chương trình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều HTX hiện nay vẫn chưa xác định được mục tiêu, phương thức tổ chức hoạt động; việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa quy trình sản xuất chưa nhiều, sức cạnh tranh của một số sản phẩm trên thị trường chưa cao; liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ thành viên, hộ nông dân chưa sâu rộng...

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về các giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể thông qua triển khai thực hiện tốt đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025” và giai đoạn tiếp theo; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về phát triển HTX; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể, HTX đa ngành nghề, mô hình HTX điển hình tiên tiến; nhân rộng kinh nghiệm của các HTX sản xuất, kinh doanh giỏi; tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu của địa phương, văn hóa và tri thức bản địa...

https://baothainguyen.vn/kinh-te/202404/khang-dinh-vi-tri-vai-tro-cua-kinh-te-tap-the-2da2029/
Các tin khác: