Khi nhà nông "nảy số”

Cập nhật ngày: 03/08/2022 09:54 (Lượt xem: 964)
Nhiều trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân chủ động đầu tư hệ thống công nghệ điều khiển tự động phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản đã giải phóng sức lao động, tạo ra sản phẩm nhanh hơn, nhiều hơn và giá trị cao hơn. Ứng dụng công nghệ số, nhà nông có thể giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp... mọi nơi, mọi lúc chỉ thông qua máy tính hoặc chiếc máy điện thoại có kết nối internet.

Hầu hết các công đoạn sản xuất nấm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) được điều khiển bằng thiết bị máy vi tính.

Hơn 20 năm trước, hình ảnh về người lao động “áo trắng cổ cồn” chỉ xuất hiện trong giấc mơ của người Việt Nam. Với người Thái Nguyên lại càng xa lạ, thậm chí chưa từng mơ. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn thì đó còn là chuyện không tưởng. Bởi các vùng quê lầm lội như Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ và các xã vùng ven TP. Thái Nguyên, người nông dân phải đầu tắt, mặt tối làm lụng mới đạt được kết quả sử dụng đất chừng 100 triệu đồng/ha/năm. Nhưng cũng từ hồi bấy giờ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã "nuôi" ý tưởng thu tiền tỷ mỗi năm trên diện tích đất chỉ 1ha.

Khi các khu công nghiệp của tỉnh được "phủ kín" bằng những dự án đầu tư, giấc mơ người công nhân “áo trắng cổ cồn” trở thành hiện thực. Và như một lẽ tự nhiên, quanh các khu công nghiệp đã nhanh chóng hình thành những khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn tại chỗ, cung cấp cho bếp ăn tập thể. Nhiều con em nông thôn đến các khu công nghiệp làm công nhân.

Khi hết hợp đồng lao động, họ mang theo tác phong công nghiệp trở về địa phương, và sử dụng những đồng tiền tích lũy để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhiều người trong số họ tìm được lời giải của bài toán kinh tế nông nghiệp, đó là việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông minh vào hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, phấn chấn: Công nghệ thông minh và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất, tác phong lao động của bà con. Hiện trong Hội có không ít nông dân thu tiền tỷ/năm mà không phải “đầu tắt, mặt tối” như một thuở con trâu đi trước, cái cày theo sau.

Khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương) tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại trong các giao dịch mua - bán gia cầm.

Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Đường, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), chia sẻ:  Với việc áp dụng công nghệ số, chỉ cần đứng một chỗ, tôi cho hàng nghìn con gà ăn, uống nước cùng lúc mà không phải lấm chân tay. Từ mô hình trang trại chăn gà, ấp trứng, tôi đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.

Theo ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao là sự phát triển tất yếu theo quy luật vận động, phát triển xã hội. Chuyển đổi số thành công sẽ tạo dựng được môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, tạo vị thế cho nông sản địa phương đứng vững trên thị trường.

Đương nhiên không phải người nông dân nào cũng có thể thực hiện được giấc mơ nông nghiệp thông minh. Bởi muốn làm nông nghiệp số được phải có điều kiện cần và đủ, đó là kiến thức, kinh nghiệm, tiền vốn và dám thay đổi chính mình.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) là một minh chứng. Hiện nay, hầu hết các công đoạn sản xuất đều được Công ty đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc tự động điều khiển bằng máy vi tính. Nhờ có hệ thống này, công việc ươm tạo, chăm sóc, thu hái, chế biến nấm đạt năng suất, chất lượng cao với sản lượng hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 100 tấn/năm. Đặc biệt, các giao dịch đều được thực hiện thông qua mạng internet.

Hay khi đến nông trại của ông Nguyễn Tiến Anh, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), chúng tôi như lạc vào một miền quê huyền thoại, với các loại cây trồng bắt mắt, như: Dâu tây, cà chua, dưa hấu, dưa lê, dưa chuột... Tất cả đều được trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Ông Anh bộc bạch: Công nghệ sản xuất không chỉ mang lại nhiều lợi ích hơn kinh tế, mà tôi còn có nhiều thời gian đi làm các công việc khác.

Thực tế, đã có nhiều nông hộ ở Thái Nguyên đầu tư công nghệ và ứng dụng số hóa trong sản xuất, nhưng mới ở một công đoạn nhỏ. Điển hình như các hộ trồng chè, trồng cây ăn quả, trồng hoa, trồng rau và chăn nuôi gia cầm đều biết cách livestream (phát trực tiếp) các công đoạn sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, rao bán sản phẩm của mình trên mạng xã hội - đó là số hóa. Nhiều nông hộ lắp đặt hệ thống tưới tự động cho cây trồng, chế biến sản phẩm bằng máy móc hiện đại - đó là công nghệ.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh, nhận xét: Dù quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp với nông dân còn ở mức độ sơ khai, như: Sử dụng điện thoại để quay phim, chụp ảnh về quá trình sản xuất; rao bán sản phẩm trên mạng xã hội, nhưng cho hiệu quả cao… 

Việc này, ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương), cho biết: Trang trại gia cầm của gia đình tôi nuôi ở quy mô 8.000 con/lứa, đạt lợi nhuận hơn 700 triệu đồng/năm. Toàn bộ các quy trình chăn nuôi, quảng bá, bán hàng đều được tôi giới thiệu, thực hiện trên sàn thương mại điện tử.

Để giúp nông dân thuận lợi trong chuyển đổi số, từ trung tuần tháng 5 vừa qua, hầu hết các xã của tỉnh Thái Nguyên đã thành lập được tổ chuyển đổi số; ở cấp xóm có tổ công nghệ số cộng đồng. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho hơn 60.000 nông dân, trong đó gần 55.000 nông dân được cung cấp tài khoản thanh toán số và mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.vn.

Chuyển đổi số đã đem lại cho ngành Nông nghiệp Thái Nguyên một phép nhiệm màu. Trong tương lai, việc đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa và chuyển đổi số trong sản xuất sẽ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái thông minh. Đồng thời, đào tạo nên một đội ngũ nông dân “áo trắng cổ cồn”, làm chủ khoa học, kỹ thuật...

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xx-vao-cuoc-song/khi-nha-nong-nay-so%E2%80%9D-303965-46265.html
Các tin khác: