Không dùng bao tay khi chế biến và bán đồ ăn sẽ bị xử phạt

Cập nhật ngày: 19/10/2018 02:31 (Lượt xem: 996)
Hành vi không dùng bao tay khi chế biến thực phẩm, đồ ăn để kinh doanh mà tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thức ăn ngay sẽ bị phạt tiền. Mức xử phạt với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATVSTP) trong kinh doanh thức ăn đường phố có thể lên tới 500.000đ đến 1.000.000 đồng. Đây là nội dung mới thực hiện theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP, có hiệu lực từ ngày 20-10-2018.

Người lao động tham gia chế biến thực phẩm phải trang bị đủ các dụng cụ bảo hộ và đủ các điều kiện về sức khỏe, kiến thức về ATVSTP. Trong ảnh: Chế biến thức ăn tại bếp ăn Trường Mầm non Quan Triều, TP.Thái Nguyên.

 

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP quy định: Mức xử phạt với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố có thể lên tới 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Mức phạt này sẽ được áp dụng với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, sang chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố…

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định về về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống sử dụng làm thực phẩm.

Để kho bảo quản thực phẩm mốc, thấm nước bị phạt đến 15 triệu đồng

Nghị định quy định phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng với một trong các hành vi:

Để nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác;

Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc; 

Không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ;

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: