Không giảm nghèo theo phong trào

Cập nhật ngày: 19/10/2018 09:50 (Lượt xem: 957)
Tạo dựng và phát triển phong trào giảm nghèo là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhưng không giảm nghèo theo phong trào. Điều đó khẳng định, việc giảm nghèo phải thực chất, bền vững chứ không làm theo thành tích, áp đặt ý chí chủ quan…

Trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, có điều kiện mua sắm các máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, giảm công lao động. Trong ảnh: Nông dân xã Cù Vân (Đại Từ) thu hoạch lúa mùa bằng máy gặt liên hoàn.

 

Sáng 17-10, ngày đầu tiên của Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, trên radio, chuyên mục “Theo dòng thời sự” của VOV có cuộc trao đổi giữa phóng viên với lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về giải pháp giảm nghèo bền vững. Qua cuộc trao đổi, thông tin khiến nhiều người quan tâm chính là cả nước hiện còn tới gần 3 triệu hộ nghèo và cận nghèo, trong đó số hộ nghèo khoảng 1,6 triệu. Điều đáng nói, tỷ lệ gia đình thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo còn khá cao. Như vậy, có thể thấy nhiều nơi giảm nghèo chưa thực chất và chưa bền vững. Vị khách mời của chương trình đã đề xuất nhiều phương án, giải pháp giảm nghèo, trong đó nhấn mạnh, ngoài nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường vận động đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, còn cần sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo thực sự của từng gia đình.

Cũng trong ngày cả nước vì người nghèo, một thông tin vui đến từ huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là hiện nay địa phương này đã có gần 100 lá đơn xin thoát nghèo của bà con. Bắt đầu từ những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Đồn Đạc, đến nay, đã lan ra tới 6/8 xã vùng cao của huyện Ba Chẽ. Một lãnh đạo huyện này khẳng định: Các trường hợp làm đơn xin thoát nghèo đều được thẩm định cụ thể, khi đủ điều kiện thoát nghèo địa phương mới đưa ra khỏi danh sách. Chúng tôi làm thực chất chứ không áp đặt theo kiểu phong trào để lấy thành tích. Điều đáng mừng là tư duy và nhận thức của người dân ở đây đã thay đổi. Tâm sự với báo chí, chị Choóng Tài Múi, xã Nam Sơn chia sẻ: “Nhà nước hỗ trợ nhiều như vậy, không thể cứ nghèo mãi được”. Đại diện một hộ đã thoát nghèo khác ở xã Thanh Sơn cũng bộc bạch: Nghèo mãi ngượng lắm, phải vươn lên thôi. Mình không thể giống một số bà con, dù đã đủ điều kiện thoát nghèo nhưng cố tình giấu tài sản để tiếp tục được hưởng trợ cấp đâu.

Thực sự đó là niềm vui không chỉ của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Ba Chẽ mà còn động lực cổ vũ tinh thần, thay đổi tư duy của hàng triệu hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước.

Với Thái Nguyên, thực tế cho thấy, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền và của xã hội, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn; không ít hộ nghèo, cận nghèo đã trở nên khá giả. Nhưng, theo thống kê đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh ta còn khá cao, với gần 29 nghìn hộ nghèo (chiếm 9%) và trên 28 nghìn hộ cận nghèo (chiếm 8,79%).

Từ thực tế này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực, tiếp tục chung tay hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự tích cực từ một phía, chắc chắn sẽ không bao giờ hoàn thành được mục tiêu đề ra. Bởi vậy, rất cần sự nỗ lực tự thân, nâng cao tính tự giác, hăng say lao động sản xuất… của các hộ nghèo, cận nghèo để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: