Ký ức tự hào của người lính Điện Biên

Cập nhật ngày: 07/05/2024 10:04 (Lượt xem: 958)
Ở tuổi 97, sức khỏe không còn được tốt, tay chân có phần chậm chạp nhưng khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ánh mắt ông Nguyễn Văn Thúy (ở tổ dân phố 5, phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên) vẫn lấp lánh niềm tự hào. Với ông, được sống, chiến đấu và chứng kiến giây phút của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một ký ức không thể nào quên trong cuộc đời.

Ông Nguyễn Văn Thúy và vợ xem lại những bức ảnh thăm lại chiến trường Điện Biên xưa.

Chúng tôi đến căn nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ nhỏ, tìm gặp ông Thúy, một nhân chứng của buổi chiều 7/5/1954 lịch sử. Người lính già có vóc dáng cao gầy, ăn mặc bình dị, bước chậm rãi ra tận cổng niềm nở đón chúng tôi. Trong lúc chờ ấm trà mới pha kịp ngấm, ông Thúy cẩn thận lấy ra những tấm huân chương, huy chương và bằng khen, rồi mở chiếc tủ gỗ cũ kỹ, “khoe” mấy tấm ảnh chụp năm ngoái khi đi thăm lại chiến trường xưa ở tỉnh Điện Biên.

Rồi ông chậm rãi bắt đầu câu chuyện: Tôi quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, là vùng địch hậu trong những năm kháng chiến chống Pháp. Nhà tôi có 6 anh em thì 3 người nhập ngũ, tôi và người em Nguyễn Văn Cận tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, còn người em út Nguyễn Văn Tuấn đã hy sinh trong kháng chến chống Mỹ.

Ông Thúy nhập ngũ năm 1950, huấn luyện và chiến đấu tại Trung đoàn 42 (Quân khu 3), hoạt động ở các vùng Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định. Ông đã bị thương trong khi chiến đấu và phải về Thanh Hóa an dưỡng. Đúng thời điểm này, Đại đoàn 312 tuyển quân cho Chiến dịch Hòa Bình (1952). Ông Thúy hăng hái tình nguyện tham gia đoàn quân. Do bị thương trước đó nên ông được phân công làm lính thông tin, phụ trách kết nối liên lạc với chỉ huy và các lực lượng trên chiến trường. 

Sau khi tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ khác nhau, tháng 12-1953, Đại đoàn 312 của ông Thúy cùng với những đơn vị khác hành quân lên Tây Bắc.

Ông Thúy nhớ lại: Trước đó, quân ta phải phân tán lực lượng để tránh bị địch truy lùng. Lúc bấy giờ đơn vị đang đóng quân ở Phú Thọ, bộ đội chúng tôi hóa trang, ẩn nấp trong dân. Đến khoảng tháng 11-1953, chúng tôi nghe ngóng được thông tin đơn vị đang “chuẩn bị muối” thì bảo nhau “chắc sẽ không về xuôi, mà đánh lên miền ngược”.

Khi chúng tôi thắc mắc: Tại sao “chuẩn bị muối” lại là đánh lên miền ngược?, ông Thúy cười dí dỏm: Tại vì miền ngược không có sẵn muối, thường phải vận chuyển từ dưới xuôi lên. Mà “chuẩn bị muối” cũng có nghĩa là chuẩn bị cho trận đánh lớn hướng lên miền ngược.

Ngưng câu chuyện để rót chén trà mới, ông Thúy chậm rãi kể: Là lính thông tin, tôi được giao bộ tổng đài vô tuyến điện 5 số để liên lạc. Ngoài ra, tôi còn đi theo đồng chí Trần Độ, Chính ủy Sư đoàn 312 để thăm dò lực lượng của địch trước mỗi trận đánh và nắm tình hình chiến trường sau từng trận. Cũng vì vậy, tôi nắm được hầu hết tình hình trên chiến trường lúc bấy giờ, tất nhiên phải đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cùng với Đại đoàn 351, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ kéo pháo bằng tay vào trận địa. Dự kiến, việc kéo pháo phải hoàn thành trong 3 đêm nhưng sau 7 đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí đã định, bởi con đường kéo pháo dài, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Ngày nổ súng được hoãn lại nhiều lần trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có quyết định lịch sử, chuyển từ phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc".

Ông Thúy kể: Sau khi có quyết định thay đổi phương án tác chiến, một mặt, tôi liên tục nhận lệnh qua tổng đài rồi báo cáo lại chỉ huy, ban đêm thì theo đoàn đi trinh sát, rồi về báo cáo đơn vị để có cách đánh phù hợp. 

Nói về trận đánh cuối cùng vào ngày 7/5/1954, đôi mắt ông Thúy ánh lên: Đúng 8 giờ, sáng 7/5/1954, sau khi tập trung để nghe phổ biến phương án tác chiến đánh chiếm Mường Thanh, đơn vị chúng tôi bước vào trận chiến đấu quyết định vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ. Tuy không ở tuyến đầu nhưng tôi và các anh em trực dưới hầm đều cảm nhận được trận đánh vô cùng ác liệt. Bom đạn bời bời, ta với địch giành nhau từng tấc đất. Đến chiều 7-5, tổng đài báo có tin đến, tôi nhấc máy và bất ngờ khi nhận được tin “Hiện giờ đồn địch đã hàng”. Phải biết rằng, lính thông tin chúng tôi nhận tin báo bằng mật mã, sau đó sẽ chuyển cho chiến sĩ cơ yếu để dịch và báo cáo lên chỉ huy. Đây là lần đầu tiên tin chiến dịch được truyền đi bằng lời nói trực tiếp. 

Sau đó, các đơn vị của quân ta nhất tề xông lên, tiếp tục đánh chiếm các đồn địch, bắt sống nhiều tên lính của Pháp. Khoảng 30 phút sau đó, tướng Đờ-Cát bị bắt sống. Ông Thúy mường tượng lại: Lúc quân ta áp giải tướng Đờ-Cát từ hầm đi ra bên ngoài, tôi và một số đồng đội khác đang đứng ở phía bên dưới. Tướng Đờ-Cát rất dễ nhận ra bởi vóc dáng cao lớn nhất trong số người ở đó. Vẻ mặt ông ta rất thất vọng, cúi đầu đi và không nói gì. Đằng sau còn có vài người xách theo cặp tài liệu, vẻ mặt hốt hoảng, căng thẳng. Và khi nhìn thấy lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay, chúng tôi cuốn vào niềm vui chiến thắng.

70 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại ký ức Điện Biên, trái tim người lính già vẫn rạo rực xúc động về một thời cùng đoàn quân "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" ào lên xông pha trận địa, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202405/ky-uc-tu-hao-cua-nguoi-linh-dien-bien-ac92166/
Các tin khác: