Lắng nghe để giải quyết đúng, trúng kiến nghị của nhân dân

Cập nhật ngày: 03/07/2018 08:46 (Lượt xem: 957)
Hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 2/7, Chính phủ dành cả ngày để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

 

Ba vấn đề được quan tâm thảo luận tại phiên họp, đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. 

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn sáu tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. 

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các cơ quan hành chính đã tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập tinh giản 24.717 người, công chức cấp xã tinh giản 5.767 người. Ngoài ra, các bộ, ngành đã sắp xếp giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhìn chung các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương chậm triển khai các nhiệm vụ được giao theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định 695/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai Nghị định 16.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ khẩn trương xây dựng các nghị định theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7; các địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ. 

Để thực hiện tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế mà Bộ đã lấy ý kiến theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để giải quyết vấn đề tinh giản biên chế. Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo kịp thời để Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ có giải pháp kịp thời xử lý các trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ không đúng quy định. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra một số tồn tại như việc thực hiện quy chế làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra giám sát và trách nhiệm người đứng đầu. Công tác quản lý, điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế nhưng chậm được khắc phục. 

“Những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều nơi thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, đến khi được kiểm tra, đôn đốc mới tập trung thực hiện. Kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định. 

Ông cũng lưu ý một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống, để xảy ra sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam. 

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết ngày 10-11/6, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn diễn ra phức tạp. Một bộ phận nhân dân chưa được tuyên truyền hiểu rõ chính sách pháp luật bị một bộ phận phần tử xấu lôi kéo, kích động tụ tập đông người, đập phá tài sản một số cơ quan nhà nước. 

Hiện nay tỉnh và Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo củng cố các chứng cứ và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu và đã khởi tố vụ án, bị can, đã bắt được 32 đối tượng và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này để răn đe. Vụ việc vừa qua là bài học rất lớn đối với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và cả hệ thống chính trị. 
Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc lại trong tháng Sáu có một số vụ tụ tập đông người, gây rối trật tự ở một số địa phương, do người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trị an và các hoạt động kinh tế ở khu vực. Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng áp dụng các biện pháp phù hợp, lập lại trật tự ở các địa bàn nóng. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết hiện Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương đang tập trung giải quyết khiếu kiện, bức xúc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra các điểm nóng. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác tiếp dân, lắng nghe, đối thoại với công dân để giải quyết đúng, trúng kiến nghị của nhân dân. 

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông cần tập trung tuyên truyền để dân hiểu một cách chủ động hơn các chủ trương chính sách; phải nắm dân, đi liền với đó là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xử lý đúng pháp luật, không để kẻ xấu phá hoại tài sản, bắt người thi hành công vụ./.

Theo Vietnam+
Các tin khác: