Mang nghĩa tình đến với bản người Mông (Kỳ II)

Cập nhật ngày: 27/05/2017 09:05 (Lượt xem: 954)
Ở hầu hết các xóm, bản người Mông đặc biệt khó khăn, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt diễn ra khá phổ biến. Chưa kể, do nguồn điện yếu hoặc chưa có điện lưới nên bà con chỉ quẩn quanh trong nhà mỗi khi màn đêm buông xuống.

 

 

 Những khát khao chưa thỏa

 

Nước sạch bao giờ về bản?

 

Ông Dương Văn Lầu, Bí thư Chi bộ xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) dẫn chúng tôi đến chỗ đặt trạm bơm nước của xóm được đầu tư xây dựng từ năm 2006. Chỉ tay vào trạm, ông bảo: Trong ấy có một giếng khoan và củ bơm, nước bơm từ giếng lên bể (đặt trên sườn núi phía trước mặt), từ đó dẫn về các nhà. Bà con sử dụng nước giếng khoan được hơn một năm thì đành bỏ vì xót tiền (tính riêng tiền điện để bơm nước, trung bình mỗi nhà phải nộp từ 200-300 nghìn đồng/tháng, chưa kể công người vận hành máy). Khoảng chục năm nay, các gia đình trong xóm lại quay về dùng nước lấy từ khe núi, với dăm chục ống nhựa “châu” vào rãnh nước, bẩn hay sạch thì cũng phải dùng thôi...

 

Giống như hầu hết các bản Mông khác, người dân xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chúng tôi ghé vào thăm nhà chị Đồng Thị Hồng ở đầu xóm để hỏi về tình hình nước sinh hoạt. Chị cho biết: Từ trước đến nay, bà con vẫn phải vào các khe núi đá bắc ống dẫn nước về dùng, nhưng cũng chỉ trong mùa mưa nước mới về đến nhà, còn mùa khô thì phải cõng can vào tận chân núi hứng nước. Nguồn nước khan hiếm đã đành, lại còn nhiều cặn vôi. Để chứng minh lời mình nói, chị Hồng cho chúng tôi xem 2 chiếc siêu đun nước đóng dầy cặn vôi nằm chỏng chơ trong góc bếp.

 

Tình hình ở xóm Pác Máng, xã Định Biên (Định Hóa) cũng chẳng khá hơn. Vừa đến đầu xóm chúng tôi đã thấy bà Hoàng Thị Hiền lom khom nhấc từng bước chân lên dốc với gánh nước trĩu trên vai. Cẩn trọng xếp 2 xô nước đầy vào góc bếp, bà Hiền than thở: “Nhà ở trên cao mà mỗi ngày tôi phải gánh 3,4 chuyến mới đủ nấu nướng, ăn uống, tắm rửa. Còn giặt giũ thì ra suối, ngày mưa thì đục ngầu, mùa khô thì cạn”. Bà Hiền xin nước của nhà ông Vi Văn Tư, một trong hai nhà có giếng khoan. Ông Tư làm nhà thấp dễ tìm thấy mạch nước nhưng cũng mất gần chục triệu đồng mới hoàn thành công trình, chưa kể điện chạy máy bơm. Đầu năm vừa rồi, anh Ma Đăng Toan, Phó Bí thư Chi bộ và là công an viên của xóm cũng “bóp mồm bóp miệng” dành hơn 10 triệu đồng để khoan giếng. Nào ngờ, gặp toàn đá, giếng khoan sâu hơn 30m mới thấy mạch nước “liu riu” bơm một lúc là cạn nhăn.

 

Thực trạng khan hiếm nước sinh hoạt cũng đang xảy ra ở xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai). Từ năm 1992, các hộ dân ở đây được đầu tư một công trình nước tự chảy theo Dự án Định canh, định cư. Qua 25 năm không tu sửa, bảo quản tốt nên công trình đã cơ bản bị vùi lấp. Tại các xóm: Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà, xã Thượng Nung hay Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) tình cảnh cũng không hơn gì. Anh Ma Hành Du, Trưởng xóm Lũng Cà cho biết: 34 hộ dân trong xóm trông vào 1 mỏ nước ngầm nhỏ, không biết có bảo đảm vệ sinh hay không. Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề này.

 

Theo Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (Đề án 2037), sẽ có 3 công trình nước được đầu tư cho những vùng khó khăn nhất về nước sinh hoạt tại huyện Võ Nhai. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nào được triển khai mà vẫn chỉ dừng ở giai đoạn khảo sát. Ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Võ Nhai cho biết nguyên nhân là do chưa có kinh phí đầu tư. Ví dụ như năm 2017, tỉnh phân bổ cho Võ Nhai 3,2 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng theo Đề án 2037, huyện phải ưu tiên đầu tư xây dựng 2 ngầm tràn trên đường vào xóm Khuổi Mèo vì nơi đây thường bị cô lập vào mùa mưa.

 

Sắm ti vi chờ… điện

 

Ngoài tình trạng “khát” nước, đồng bào Mông ở các xóm, bản đang được thụ hưởng Đề án 2037 đều “khát” điện. Nơi đã có điện lưới thì dòng điện rất yếu, giờ cao điểm bóng điện chỉ sáng “như con đom đóm”, cả nhà phải “nhịn” dùng, dồn điện cho trẻ học bài. Bà Triệu Thị Liên, một người dân ở xóm Lân Quan dùng tay quay quay để miêu tả: Cánh quạt chạy lờ đờ như thế này này. Có hôm tôi chờ đến 2 giờ sáng cho mọi người đi ngủ hết mới xay mẻ ngô hôm sau nấu mèn mén mà máy xay không chạy nổi. Điện yếu nên bóng điện, ti vi cháy hỏng liên tục, nhà tôi hỏng nhiều đồ điện lắm rồi đấy.

 

Nơi chưa có điện lưới do Nhà nước đầu tư thì bà con đành chung tiền kéo từ nơi khác về dùng. Điển hình như xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Do quá “khát” điện, xóm chia làm 6 tổ góp công, góp tiền kéo điện từ Lũng Luông sang từ cuối năm 2016 (có hộ phải bỏ ra đến 8 triệu đồng). Đường dây và cột điện tự làm tạm bợ, tiềm ẩn mất an toàn và hao tổn điện năng lớn. Cũng như vậy, 60/103 hộ xóm Khuổi Mèo góp tiền kéo điện về. Anh Phùng Văn Lành, Trưởng xóm nói: “Nguồn điện dù yếu và không ổn định nhưng bà con cũng vui vì có chút ánh sáng buổi tối thay cho đèn dầu, đèn pin. Bà con mong ngành Điện sớm hoàn thành dự án cấp điện cho xóm”. Ở Khuổi Mèo, tháng 12-2015, Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn đã được huyện Võ Nhai tạm ứng ngân sách hỗ trợ 60 triệu đồng để giáo viên kéo đường dây điện dài 3km vào Trường.

 

Điều bất ngờ là tại một số xóm người Mông ở Võ Nhai, nơi chưa có điện lưới, chúng tôi thấy không ít hộ đã sắm ti vi, quạt để… chờ điện. Điều đó cho thấy bà con đang “khát điện” đến nhường nào.

 

Về việc đưa điện đến với đồng bào dân tộc Mông, theo Đề án 2037 có 11/11 công trình đã được Sở Công Thương đưa vào Dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Dự án đề ra mục tiêu cấp điện cho 76 xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người của 19 xã trên địa bàn 5 huyện, gồm: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa. Giai đoạn đầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư vào 14 xóm chưa có điện thuộc huyện Đồng Hỷ; UBND tỉnh giao cho cơ quan đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án RE II đầu tư vào 21 xóm/bản thuộc huyện Võ Nhai. Các xóm chưa có điện còn lại sẽ được đầu tư trong gian tới. Theo kế hoạch, đến hết quý II/2017 sẽ có 35 xóm được xóa “trắng” về điện.

 

Tuy nhiên, việc đưa điện lưới về các xóm “trắng” hoặc xóm có nguồn điện không bảo đảm phục vụ sản xuất, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn. Do vậy, UBND tỉnh đã nhiều lần làm việc với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất đầu tư (tổng mức gần 208 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 176 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 31 tỷ đồng). Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư mới cấp được trên 50% nên sẽ ảnh hưởng tiến độ thi công các gói thầu.

 

Ngoài khó khăn về vốn, mục tiêu 100% số hộ dân ở các xóm đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia chưa thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn. Lý do là nhiều hộ người dân tộc thiểu số định cư ở trên núi cao, cách trung tâm các xóm tới vài ki lô mét nên Nhà nước không đủ kinh phí xây dựng một đường điện riêng, hộ dân cũng không đủ tiền tự kéo đường dây. Do vậy, xoá xóm “trắng” về điện có thể thực hiện được theo kế hoạch còn việc xoá hộ “trắng”về điện sẽ không khả thi.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: