Mang yêu thương đến với Trường Sa

Cập nhật ngày: 07/05/2018 08:23 (Lượt xem: 953)
Vượt gần 260 hải lý, sau 7 ngày lênh đênh trên biển, Tàu Trường Sa 571 đã đưa đoàn công tác số 11 của chúng tôi cập đảo Trường Sa. Thuyền cập cảng, những người lính hải quân ra tận nơi đón đoàn. Những cái ôm nồng ấm, những cái siết tay thật chặt như những người thân trong gia đình đã xa nhau lâu ngày gặp lại. Mọi người đều rưng rưng xúc động, ánh mắt chan chứa yêu thương...

Buổi chào cờ, duyệt đội ngũ được tổ chức rất trang trọng, đúng kế hoạch của đoàn công tác. Ánh mắt của tất cả mọi người đều hướng lên lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trong gió khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Sau phần duyệt đội ngũ hùng tráng, Đoàn công tác thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo; dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diễu binh chào mừng 43 năm giải phóng Quần đảo Trường Sa.

 

Sau phần nghi lễ, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa - Trung tá Lương Quốc Anh vui mừng báo cáo với Đoàn kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, quân, dân và các lực lượng trên đảo đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thường xuyên quán triệt chấp hành các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức canh gác chặt chẽ, xử lý đúng đối sách, không bị bất ngờ trong mọi tình huống. Đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các lực lượng trên đảo, giữ vững phẩm chất chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên tặng quà người dân trên đảo Trường Sa.

 

Trường Sa lớn là đảo nằm trên một nền san hô ngập nước, nền san hô ở phía Đông rộng thoai thoải, phía Tây hẹp dốc. Trên đảo có nước lợ ở độ sâu khoảng 2m thuận tiện cho việc tắm giặt, tưới cây. Đây cũng là ưu ái của thiên nhiên dành cho con người trên đảo. Với khí hậu đặc trưng, mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Thực vật ở đảo chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, phi lao và một số loài cỏ lau thân mềm có lá kim nhưng phát triển và sinh trưởng kém do sự tác động khắc nghiệt của khí hậu. Để cải thiện những bữa ăn hằng ngày, các chiến sỹ tại đảo Trường Sa  luôn cố gắng tăng gia trồng rau xanh, đánh bắt hải sản, chăn nuôi gà, lợn. Dù còn gặp nhiều khó khăn, song từ các chiến sỹ đến sỹ quan luôn xác định tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Đặc biệt, quân và dân trên đảo đã làm tốt nhiệm vụ giúp đỡ các ngư dân về nước ngọt, gạo, nhu yếu phẩm khi các tàu cá vào âu tránh bão. Với những thành tích đã đạt được, Đảo vinh dự được Đảng và Nhà nước và quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Năm 1985 được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; năm 2001 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; năm 2006 tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất…

Đoàn công tác số 11 tại đảo Sinh Tồn - Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

 

Đi thăm một vòng quanh đảo, tôi cảm nhận được sức sống của Trường Sa. Bên những tán bàng vững vàng qua bão táp, nơi chỉ có san hô và cát trắng song những giàn bí, giàn bầu, giàn mướp quả sai chĩu chịt; những luống rau muống, mồng tơi xanh mướt mát… điều đó thể hiện sự dày công chăm sóc của quân và dân huyện đảo, từ mảnh đất khô cằn khắc nghiệt, chắt chiu mang lại quả ngọt cho đời. Thăm nơi ở của cán bộ, chiến sỹ trên đảo, tôi càng cảm phục hơn bởi sự chính quy, ngăn nắp, sạch sẽ. Mặc dù chỉ có chiếc giường đơn sơ, song tất cả chăn, màn đều được gấp vuông vắn; giày dép để ngay ngắn, gọn gàng. Nghe tiếng ê a học chữ của trẻ, tôi ghé mắt qua cửa sổ để quan sát một lớp học. Mặc dù con em của nhân dân trên huyện đảo phải học một số lớp trình độ ghép (mẫu giáo 3-5 tuổi, lớp 1), lớp 2-3, lớp 4-5; cô giáo phải chạy đi chạy lại với nhiều chiếc bảng trong lớp song vẫn ân cần uốn nắn từng học sinh học bài.

Chiến sĩ đảo Trường Sa đang chăm sóc vườn rau xanh.

 

Điều vui mừng với đoàn công tác của tỉnh là đã gặp được 3 chiến sỹ người Thái Nguyên đang làm nhiệm vụ trên đảo: Thiếu tá Vũ Đình Hòa, quê xã Thanh Ninh; Trung úy Dương Tuấn Hải, quê xã Tân Đức, huyện Phú Bình và Thượng úy Lê Văn Thọ, quê Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Gặp được người Thái Nguyên ra thăm đảo, các cán bộ, chiến sỹ đều rưng rưng xúc động. Thiếu tá Vũ Đình Hòa chia sẻ: Tôi ra Trường Sa từ tháng 12/2016. Năm trước, tôi biết có một đoàn công tác ở Thái Nguyên ra đảo, song do điều kiện công việc tôi không gặp được ai. Lần này được gặp đoàn công tác của tỉnh ra thăm đảo, tôi vô cùng xúc động. Tôi thực sự bất ngờ, vô cùng cảm động khi được đoàn công tác mang ra tận đảo tặng bức ảnh khi đoàn đến thăm, tặng quà động viên gia đình và tờ Báo Thái Nguyên có đăng ảnh mẹ và anh trai tôi. Khi ra Trường Sa công tác, tôi xác định đây là tuyến đầu của Tổ quốc sẽ có nhiều vất vả, khó khăn, song tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, cùng anh em trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương…

Đoàn công tác của tỉnh tặng quà các cán bộ, chiến sĩ quê Thái Nguyên hiện đang công tác trên đảo Trường Sa.

 

Những khó khăn, vất vả và sự quyết tâm trong ý chí của Thiếu tá Vũ Đình Hòa cũng là sự cảm nhận, chia sẻ, khâm phục của các thành viên trong đoàn công tác của Thái Nguyên trên tàu Trường Sa 571. Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (Trưởng đoàn công tác của tỉnh) khi trò chuyện cùng chúng tôi đã bày tỏ nhiều điều mà ông tâm đắc từ chuyến đi này: Tất cả anh em trong đoàn đều rất phấn khởi, cảm nhận chung  của tất cả các thành viên trong đoàn đều có ấn tượng sau khi tiếp cận trực tiếp đời sống, sinh hoạt, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên đảo. Mọi người đều có cảm nhận riêng và chia sẻ với những khó khăn vất vả đó. Cũng qua đây, các thành viên đều có thêm niềm tin về tinh thần vượt khó, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nâng cao hơn nhận thức về thực tiễn tình hình biển đảo hiện nay, từ đó xây dựng kế hoạch để có những hoạt động cụ thể hơn, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Riêng đối với ngành giáo dục, chương trình về biển đảo đã đưa vào chương trình giảng dạy, tuy nhiên, sau chuyến đi này, trên cương vị là người đứng đầu ngành Giáo dục của tỉnh, chúng tôi sẽ triển khai sâu rộng hơn nữa tới các nhà trường, tăng cường công tác tuyên truyền để học sinh có nhận thức đầy đủ hơn về chủ quyền biển đảo, xây dựng phong trào ủng hộ thiết thực đối với quân, dân trên đảo.

Là quân nhân đang công tác trong quân đội, Thượng tá Hoàng Trọng Sao, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự Định Hóa xúc động chia sẻ: 36 năm tôi công tác ở các đơn vị trên đất liền, đây là lần đầu tiên tôi ra Trường Sa, cảm nhận của tôi rất là xúc động, phấn khởi, tự hào và tin tưởng. Phấn khởi bởi lẽ Trường Sa tuy về địa lý rất xa với đất liền, nhưng khi đến thì tình người, tình quân dân thắm thiết. Tôi cũng như mọi người thấy Trường Sa luôn ở trong tim của mọi người dân đất Việt. Tự hào bởi lẽ ở Trường Sa truyền thống, phẩm chất của bộ đội cụ Hồ luôn tỏa sáng. Ở xa quê hương nhưng tiếng hát, lời ca, tinh thần văn hóa, văn nghệ sôi nổi, toát lên sự hồn nhiên, yêu đời, lạc quan. Tôi tin tưởng vào truyền thống, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, quân chủng Hải Quân và những người lính trên đảo, chắc tay súng cùng đồng đội ở đất liền bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Khi về đơn vị tôi sẽ giáo dục, tuyên truyền cho bộ đội ở đơn vị mình học tập chiến sỹ Trường Sa, tuy gió biển mặn mòi nghiệt ngã như vậy nhưng rau vẫn xanh, hoa vẫn tươi thắm, giàn bí, giàn bầu mơn mởn, ở trong đất liền thuận lợi như vậy, phải xây dựng cho được cảnh quan môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp và sáng hơn nữa…

 

Một món quà đặc biệt mà đoàn công tác dành cho quân và dân trên đảo Trường Sa là chương trình giao lưu văn nghệ ấm tình quân dân. 21 giờ, Đoàn công tác chia tay Trường Sa trong quyến luyến giữa người đi, người ở lại. Khi lên tàu, hầu hết các thành viên đều lưu luyến đứng trên mạn tàu mắt hướng về đảo, nơi có những người lính giơ tay chào tạm biệt. Tay nắm chặt tay, các chiến sỹ đứng trên cầu cảng cùng cất vang lời ca tiếng hát “Đời mình là một khúc quân hành”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rồi hô vang “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” xen lẫn những tiếng nức nở, biển đêm dậy sóng yêu thương.

Những cảm xúc đó có lẽ chỉ được chứng kiến một lần trong đời và thật may mắn khi hơn 200 thành viên đoàn công tác số 11 trong đó có tôi đã được tham dự từ đầu đến cuối, để rồi khi về đến đất liền, mọi người sẽ kể cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp về Trường Sa năm ấy…

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: