Mua “combo” du lịch qua mạng: Làm sao để không "ngậm trái đắng”?

Cập nhật ngày: 28/02/2023 03:39 (Lượt xem: 978)
Trong bài viết trước, chúng tôi đã phản ánh vụ việc hàng chục người tại Thái Nguyên mất trắng nhiều tỷ đồng do sập bẫy góp vốn, mua vé máy bay, “combo” du lịch giá rẻ. Các chuyên gia về du lịch nhận định, hiện còn tồn tại một số cá nhân, đơn vị kinh doanh “combo” du lịch theo hình thức chộp giật. Người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi mua, tránh “tiền mất, tật mang”.

Sau khi bài báo “Sập bẫy góp vốn, mua “combo” du lịch giá rẻ: Hàng chục người mất trắng nhiều tỷ đồng” được đăng tải, bạn đọc tiếp tục phản ánh các chiêu thức lừa đảo trong lĩnh vực này đến Báo Thái Nguyên.

Muôn mánh lừa

Ngay sau khi bài báo “Sập bẫy góp vốn, mua “combo” du lịch giá rẻ: Hàng chục người mất trắng nhiều tỷ đồng” được đăng tải, nhiều bạn đọc đã có phản hồi trên mạng xã hội và đến Báo Thái Nguyên về vấn đề này. Chị N.T.N (TP. Thái Nguyên) phản ánh, vào giữa năm 2022, khi tìm phòng nghỉ cho chuyến du lịch Phú Quốc, chị được một tài khoản trên mạng xã hội giới thiệu “combo” gồm vé máy bay, phòng nghỉ, xe đưa đón từ sân bay về khách sạn… có giá chỉ bằng 60% bình thường. Tài khoản này nhấn mạnh chỉ còn 10 suất khuyến mại có giá thấp nên chị N. vội vàng đặt mua.

 

Chị N. cho biết: Tài khoản kia gửi đầy đủ cho tôi hóa đơn, mã đặt vé máy bay, phòng khách sạn nên tôi khá tin tưởng. Tuy nhiên, sắp đến ngày đi, tôi gọi điện kiểm tra thì các mã này đều giả mạo. Tôi tìm cách liên lạc lại thì tài khoản kia đã chặn tôi.

Đa dạng “combo” du lịch được chào bán trên mạng xã hội.
Đa dạng “combo” du lịch được chào bán trên mạng xã hội.

Còn anh P.V.T ở thị trấn Đu (Phú Lương) phản ánh tới Báo Thái Nguyên về việc đặt “combo” VIP nhưng lại nhận chất lượng tồi tệ. Anh T. nói: Khi đến nơi tôi mới biết khách sạn mình đặt thật tồi tệ so với số tiền bỏ ra. Các dịch vụ chất lượng kém. Tuy nhiên, tôi đặt qua một tài khoản cá nhân trên mạng nên khi phản ánh không đòi được quyền lợi gì.

Người dân phản ánh nhiều nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến mua combo du lịch trên mạng xã hội.
Người dân phản ánh nhiều nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến mua "combo" du lịch trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người phản ánh tại các hội nhóm về tình trạng bị lừa đảo. Có trường hợp gần 20 đoàn với hàng trăm người ra sân bay nhưng không có vé và rất nhiều phản ánh chất lượng dịch vụ “combo” du lịch quá kém so với quảng cáo.

Theo chuyên gia về an ninh mạng, những đối tượng lừa đảo thường dùng các tài khoản mạng xã hội, email giả... để quảng cáo, đưa ra thông tin rất hấp dẫn như giá rẻ, dịch vụ chất lượng cao, thủ tục tiện lợi, nhanh chóng… Khi người mua “sập bẫy”, chuyển tiền, đối tượng sẽ chặn liên lạc để chiếm đoạt tiền. Tất cả số điện thoại, thông tin của tài khoản lừa đảo trên mạng xã hội đều là giả nên cơ quan chức năng rất khó điều tra, xử lý.

Cách nào “miễn dịch”?

Từ những hình thức lừa đảo liên quan đến “combo” du lịch, các chuyên gia cảnh báo người dân đề cao cảnh giác để tránh “sập bẫy”. Vậy, làm cách nào để “miễn dịch” với chiêu trò lừa đảo và lựa chọn được “combo” du lịch “ngon, bổ, rẻ”?

Một số người cảnh báo khi thấy nhiều combo du lịch có giá rẻ bất thường.
Một số người cảnh báo khi thấy nhiều "combo" du lịch có giá rẻ bất thường.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch - Lữ hành, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Âu Lạc, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên, cho biết: Đầu tiên, người dân cần xác minh đơn vị cung cấp dịch vụ, yêu cầu người bán xuất trình giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp. Sau đó, người dân có thể kiểm tra thông tin về doanh nghiệp tại cổng thông tin của cơ quan quản lý du lịch các cấp và từ đó có thể kiểm tra ngược lại thông tin của người bán. Tất nhiên, nếu thông tin về người bán không rõ ràng, người bán cố ý che giấu công ty hoặc hoặc không cho phép thanh toán tiền qua tài khoản công ty thì cần đề cao cảnh giác.

Nhiều người lựa chọn mua gói “combo” đi du lịch do thuận tiện và tiết kiệm.
Nhiều người lựa chọn mua gói “combo” đi du lịch do thuận tiện và tiết kiệm.

“Nếu có điều kiện, người dân nên đến tận trụ sở làm việc của công ty du lịch mình định đặt dịch vụ trong lần giao dịch đầu tiên để gặp gỡ, xác minh mức độ uy tín của công ty” - ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn SVN Group, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên - một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ combo du lịch chiếm thị phần lớn tại Thái Nguyên, cho rằng: Khi đã đặt hàng, khách hàng có thể kiểm tra mã vé máy bay, mã đặt phòng của các dịch vụ trong “combo” du lịch mình đã mua. Khi đó, khách hàng có thể kiểm tra ngay thông tin về hành trình của mình thông qua các mã này trên website của hãng máy bay, khách sạn hoặc gọi điện trực tiếp đến kiểm tra.

Đặc biệt, người dân cần cảnh giác với những “combo” du lịch được bán với giá rẻ bất thường; cần hỏi nhiều công ty, đại lý du lịch để so sánh giá cả và không vội vàng chuyển tiền theo hối thúc của người bán.

Thạc sĩ, luật sư Lê Đình Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, Công ty Luật TNHH MTV K và Cộng sự chi nhánh Thái Nguyên, phân tích: Giao dịch chuyển tiền sẽ an toàn hơn nếu khách hàng chuyển cho tài khoản của công ty mình mua hàng. Với những giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng, khách hàng nên ký kết hợp đồng có pháp lý rõ ràng.

Đặt ra vấn đề về quản lý

Việc xuất hiện tình trạng lừa đảo thông qua đặt mua dịch vụ “combo” du lịch trên mạng cũng đặt ra vấn đề về quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, cũng như môi trường kinh doanh du lịch, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dạ Hương, kiến nghị: Công an tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng thời điểm cả nước đang kích cầu du lịch để trục lợi, lừa đảo mua bán, góp vốn đầu tư “combo” du lịch trên mạng.

Công ty CP Du lịch quốc tế Âu Lạc tổ chức nhiều cuộc thi giữa các nhân viên nhằm nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng. Ảnh: Lăng Khoa
Công ty CP Du lịch quốc tế Âu Lạc tổ chức nhiều cuộc thi giữa các nhân viên nhằm nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng. Ảnh: Lăng Khoa

Cũng theo ông Hiệp, hiện có không ít công ty du lịch hoạt động không có giấy phép, vừa gây thất thu thuế lại tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng. Cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, xử lý nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh.

Về quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên Đỗ Trọng Hiệp kiến nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên bổ sung danh sách những công ty được Sở cấp phép hoạt động du lịch nội địa lên website của Sở; đồng thời đăng tải tên những đơn vị vi phạm nhằm cảnh báo tới người dân.

https://www.baothainguyen.vn/phap-luat/202302/mua-combo-du-lich-qua-mang-lam-sao-de-khong-ngam-trai-dang-cb55b91/
Các tin khác: