Nâng cao trách nhiệm xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật ngày: 18/12/2018 04:14 (Lượt xem: 959)
Từ năm 2016, bình quân mỗi năm cơ quan chức năng xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thu và nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng với trên 1.200 vụ việc bị xử lý mỗi năm, trong đó gần 40% dựa vào nguồn tin báo, tố giác của nhân dân. Như vậy, nếu chỉ dựa vào hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, chắc chắn sẽ không thể kiểm soát triệt để vấn đề bảo đảm ATVSTP. Từ thực tế này đặt ra vấn đề cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực thi pháp luạt về ATVSTP.

Mô hình trồng rau an toan của Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai) góp phần chủ động kiểm soát ATVSTP và nâng cao hiệu quả giáo dục về pháp luật an toàn thực phẩm.

 

Để thực hiện tốt Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay, có ba cơ quan cùng tham gia thực hiện công tác quản lý nhà nước: Ở cấp Quốc gia là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đối với cấp tỉnh cũng do ba cơ quan: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh đó còn có cơ quan Công an cùng thực hiện chức năng phát hiện, điều tra và xử lý trên cả lĩnh vực vi phạm pháp luật về môi trường, kinh doanh, gian lận thương mại...

Về góc độ quản lý, có thể thấy lực lượng và chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATVSTP là khá tổng hợp và toàn diện. Tuy nhiên vấn đề chấp hành pháp luật ATVSTP vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp và đặc biệt là nhận thức xã hội về ATVSTP cũng như hành vi vi phạm các quy định ATVSTP còn diễn ra khá phổ biến.

Tại diễn đàn “Những vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác ATVSTP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do Hội Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức tháng 9/2018, đại diện các ngành đã chia sẻ về những hạn chế tồn tại trong việc bảo đảm ATVSTP, trong đó đề cập đến vai trò, trách nhiệm xã hội còn hạn chế. Hầu hết các vụ việc được xử lý đều do hoạt động thanh, kiểm tra theo các chuyên đề của cơ quan chức năng theo định kỳ và được thông báo trước.

Kết quả xử lý các vi phạm qua báo cáo của cơ quan thường trực (Chi cục ATVSTP tỉnh - thuộc Sở Y tế) cho thấy: Từ tháng 6-2016, đến tháng 6-2018 toàn tỉnh xử lý 2.468 vụ, thu nộp ngân sách gần 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, vào dịp đầu năm, sau khi tuyên truyền, ký cam kết thực hiện đúng các quy định về ATVSTP với các tổ chức, cá nhân thì các vi phạm ít xảy ra, nhưng ngay sau đó, cá biểu hiện vi phạm và các vi phạm lại diễn ra phức tạp.

Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Tuyên truyền, vận động thì địa phương, hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nào cũng chấp hành tốt, nhưng cứ kiểm tra là có vi phạm, mặc dù kế hoạch kiểm tra, thanh tra là có trước… Điều đó chứng tỏ việc chấp hành là chưa được thường xuyên, liên tục. Nhưng ai là người phát hiện vi phạm thì… chỉ có cơ quan chức năng. Trong khi người tiêu dùng lại không tự bảo vệ mình, không bày tỏ thái độ hoặc lên án những hành vi mất ATVSTP”.

Thực tế cho thấy, quý I năm 2018, toàn tỉnh xử lý vi phạm ATVSTP gần 150 cơ sở và vụ việc, nộp ngân sách gần 230 triệu đồng, sang quý II số cơ sở và vụ việc vi phạm là trên 300, thu nộp ngân sách gần 350 triệu đồng. Cũng tại diễn đàn của Hội Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cơ quan Công an tỉnh cho biết: Từ tháng 6-2016, đến tháng 6-2018 các đơn vị của ngành đã phát hiện, điều tra và xử lý 101 vụ vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP, trong đó khởi tố 2 bị can, tội sản xuất hàng giả là thực phẩm. Các sản phẩm hàng giả đã kịp thời thu hồi khi đang được bán trên thị trường, như: Nước mắm, mì chính hiệu AJINOMOTO, lợn chết đưa vào chế biến thực phẩm chín…Nhưng hầu hết do quá trình hoạt động nghiệp vụ trinh sát phát hiện. Rất ít nguồn tin tố giác, chính vì vậy hoạt động đấu tranh, ngăn ngừa và giáo dục pháp luật về ATVSTP rất khó khăn.

Theo ngành Công Thương: Nhiều vi phạm do nhận thức về pháp luật còn hạn chế, trong số gần 100 vụ việc vi phạm thuộc lĩnh vực lưu thông và kinh doanh, thì gần 80% là chung chuyển, ủy quyền, hoặc không nắm rõ các quy định kinh doanh mặt hàng có điều kiện…

Từ những vấn đề mà các cơ quan chức năng đưa ra, có thể thấy, vai trò giám sát nắm bắt thông tin xã hội tại cơ sở còn hạn chế, dẫn đến trách nhiệm xã hội chưa cao trong việc bảo đảm ATVSTP. Đa số việc thực thi pháp luật về ATVSTP tại khu dân cư vẫn theo nếp sống cũ là “Việc nhà nào, nhà đấy lo, tự chịu trách nhiệm…”.

Tuy nhiên, với vấn đề ATVSTP thì không chỉ dừng lại trong một nhà hay một người, mà tính chất nguy hiểm của vấn đề mất ATVSTP sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của khu dân cư, như lây nhiễm bệnh, môi trường sống….Đây chính là vấn đề cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Theo Báo Thái nguyên điện tử
Các tin khác: