Ngành Giáo dục Thái Nguyên: "Tôn sư trọng đạo" và sứ mệnh của người thầy

Cập nhật ngày: 18/11/2022 02:52 (Lượt xem: 1225)
Với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc và thể theo nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự tôn vinh của Nhân dân đối với những người làm nghề dạy học. Từ đó đến nay, ngày 20-11 đã trở thành ngày hội lớn của các nhà giáo Việt Nam.

Trong những năm qua, các thầy, cô giáo đã nỗ lực thi đua dạy tốt - học tốt. Trong ảnh: Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Giấy chứng nhận cho các giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, hệ thống giáo dục Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) đã phát triển rộng khắp và thực hiện cải cách, thống nhất theo hệ thống giáo dục quốc dân. Tháng 1/1997, tỉnh Bắc Thái tách thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Sau 25 năm chia tách, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học, ngành học được củng cố và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 697 cơ sở giáo dục (trong đó có 37 trường ngoài công lập) gồm: 246 trường mầm non, 214 trường tiểu học, 193 trường THCS, 33 trường THPT… Mạng lưới trường, lớp các cấp học được củng cố, phát triển rộng khắp. Đặc biệt, tại vùng cao, miền núi, khu vực kinh tế còn khó khăn, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng các trường nội trú, bán trú, điểm trường nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Các thầy, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, cắm bản, gieo chữ, tận tình chăm sóc học trò.

Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hoá và hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới giáo dục và xu hướng chuyển đổi số.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực tham mưu huy động các nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Thông qua lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, vốn ngân sách và xã hội hóa giáo dục, Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất ở tất cả các bậc học, phát triển trường mầm non tư thục ở những đô thị, khu đông dân cư, cụm công nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 601/685 trường học được công nhận là trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,74%. Tất cả các đơn vị cấp xã đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được giữ vững và nâng cao tiêu chuẩn mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Các nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Trong ảnh: Giờ thực hành môn Tin học của lớp 10A1, Trường THPT Lương Phú (Phú Bình).

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện ngành Giáo dục Thái Nguyên có trên 26.000 cán bộ, giáo viên, trong đó trên 1.300 thầy, cô có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là lực lượng quan trọng tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng GD&ĐT của Thái Nguyên.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bám sát chủ đề năm học, ngành Giáo dục tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với hoạt động đổi mới giáo dục.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự học, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác quản lý. Nhiều nhà giáo không chỉ là những tấm gương tận tụy, trách nhiệm trong công việc, gương mẫu về đạo đức, tác phong, lối sống, mà còn là điển hình về tinh thần vượt khó, gắn bó, tâm huyết với nghề, bám trường, bám lớp, thắp sáng tinh thần hiếu học trong các thế hệ học trò. Trong mọi hoàn cảnh, các thầy, cô đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn.

Các trường mầm non trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư khu vui chơi cho trẻ. Trong ảnh: Khu vui chơi ngoài trời của Trường Mầm non Nam Hòa (Đồng Hỷ).

Nhờ vậy, chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được duy trì ổn định và từng bước nâng lên theo hướng thực chất, bền vững. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong hai năm học gần đây của tỉnh đều đạt cao, trên 98%. Đặc biệt phải nói tới những thành tích trong các kỳ thi chọn học giỏi quốc gia những năm gần đây, Thái Nguyên luôn giữ "phong độ" ổn định với trên 50 giải. Đặc biệt, năm học 2021-2022, tỉnh Thái Nguyên có 57/94 học sinh dự thi đạt giải, gồm 3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 18 giải Ba, 26 giải Khuyến khích; có 1 học sinh được tham gia vòng thi để chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic Sinh học quốc tế. Kết quả này đã giúp Thái Nguyên có số lượng giải nhiều nhất, chất lượng giải cao nhất từ trước đến nay.

Ghi nhận công lao, đóng góp của ngành Giáo dục Thái Nguyên và các nhà giáo, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT và của tỉnh. Đặc biệt, đã có gần 100 nhà giáo vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Nhìn lại truyền thống vẻ vang của ngành Giáo dục hôm nay để chúng ta thêm tự hào, tự tin vững bước trên hành trình “gieo chữ” và sự nghiệp “trồng người”. Thành tựu đạt được trong những năm qua đã và đang tạo đà thuận lợi, khí thế, niềm tin cho toàn Ngành tiếp tục vững bước trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

"Toàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đang quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó, một trong các giải pháp then chốt đó là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT, góp phần vào sự phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh." - PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định.

https://baothainguyen.vn/giao-duc/202211/nganh-giao-duc-thai-nguyen-ton-su-trong-dao-va-su-menh-cua-nguoi-thay-0072c12/
Các tin khác: