Ngày Nước thế giới: ‘Nước cho tất cả, không để ai bị bỏ lại phía sau’

Cập nhật ngày: 22/03/2019 03:11 (Lượt xem: 966)
Ngày Nước thế giới 2019 hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện mục tiêu tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, an toàn cho sức khỏe cộng đồng.

Với chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau,” Ngày Nước thế giới và Tuần lễ Nước Quốc tế Việt Nam năm 2019 đã được tổ chức vào sáng 23/3, tại Trung tâm Hội nghị Almaz - Vinhomes River Side Long Biên, thành phố Hà Nội.

Ngày Nước thế giới 2019 hướng đến đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG6). Theo đó, tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng, điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững.

Thông điệp cũng mong muốn đưa ra giải pháp giải quyết nguyên nhân tại sao hiện nay vẫn còn nhiều người còn bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận nguồn nước. Đồng thời nhấn mạnh rằng quyền sử dụng nước sạch của tất cả mọi người không phân biệt công việc, địa vị, giới tính và màu da.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 đã chỉ ra rất rõ “tất cả mọi người đều được sử dụng nước vào năm 2030, điều này đồng nghĩa là không có ai không được sử dụng nước.” Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trên phạm vi toàn cầu, có khoảng 2,1 tỷ người đang không được tiếp cận các dịch vụ về nước bảo đảm an toàn; gần 80% người dân vùng nông thôn không được sử dụng nước sạch…

Chưa kể mỗi ngày có 700 các cháu nhỏ ở độ tuổi dưới 5 năm bị chết do dịch tả liên quan đến nước không an toàn và vệ sinh bẩn. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo, nhạy cảm, dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người thiểu số, người khuyết tật…

Vì vậy, các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 bao gồm: Nước cho phụ nữ; nước cho nơi làm việc, sản xuất; nước cho nông thôn, nước cho người tị nạn; nước cho các bà mẹ; nước cho trẻ em; nước cho học sinh, sinh viên; nước cho những người bản địa, thiểu số; nước cho người khuyết tật,...

"Cùng với việc được tiếp cận đủ nước, thì tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng; điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi còn nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn," Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ngay Nuoc the gioi: ‘Nuoc cho tat ca, khong de ai bi bo lai phia sau’ hinh anh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đại diện các địa phương tỉnh Điện Biên, cơ quan Liên hợp quốc, đại diện Đại sứ quán Hungari tại Việt Nam và Đại sứ Ngày Nước thế giới - Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân phát động hưởng ứng Ngày Nước Thế giới. (Ảnh: K.T/Vietnam+)

Hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các cộng đồng và toàn thể người dân hãy cùng nhau nỗ lực vì những người yếu thế nhất trong xã hội; cùng nhau xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về tài nguyên nước để thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu “nước cho tất cả mọi người,” trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên nước vào cuộc sống, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thông qua quản lý thông minh, sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, theo Bộ trưởng, cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt pháp luật về tài nguyên nước, thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Đặc biệt là, “tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo các Nghị định của Chính phủ,” Bộ trưởng nói.

Thông qua buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước cùng đồng hành với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm xử lý ô nhiễm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn tài nguyên nước; cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các dòng sông, các nguồn nước.

Về phía quốc tế, đại diện Liên hợp quốc nhấn mạnh về quyền của con người đối với nước và vệ sinh đã được ghi  nhận tại các quốc gia. Nước đóng vai trò quan trọng cho việc duy trì phát triển kinh tế bền vững về nông nghiệp, công nghiệp, cũng như năng lượng và duy trì hệ sinh thái khỏe mạnh. Chương trình nghị sự 2030 đã nêu rõ những thách thức trong đó nhấn mạnh sự thịnh vượng của kinh tế sẽ phụ thuộc vào nước.

Theo đại diện Liên hợp quốc, nước đóng vai trò quan nhưng nguồn nước Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, làm thế nào để quản lý nước tốt hơn trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng. Trong khi 49% dân Việt Nam tiếp cận nước sạch để uống nhưng có đến 4,5 triệu người chưa được tiếp cận nước sạch, vì thế cần quan tâm đến đối tượng yếu thế.

Chính vì thế, “Liên hợp quốc luôn cam kế hỗ trợ các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, hỗ trợ hệ sinh thái Việt Nam. Bảo vệ môi trường và thúc đẩy cho các mục tiêu phát triển bền vững,” đại diện Liên hợp quốc nói.

Trong khuôn khổ tại lễ mít tinh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 30 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Bộ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia; bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn-giai đoạn I; kết quả Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển.

Đồng thời công bố danh hiệu Đại sứ Ngày Nước Thế giới Việt Nam 2019../.

Theo Vietnam+
Các tin khác: