Người làm chè Tân Cương chung sức bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 08/05/2024 09:40 (Lượt xem: 957)
Xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) có 7 làng nghề chè truyền thống, với tổng diện tích trên 350ha. Thời gian qua, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chè, người dân nơi đây còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm chè của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Theo thống kê, khoảng 70% diện tích chè ở xã Tân Cương được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 50% theo quy trình hữu cơ. Đây là phương thức sản xuất nhằm đem lại sản phẩm chè có chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người và môi trường. Bởi lẽ, toàn bộ quy trình từ khâu chăm sóc đến chế biến, tiêu thụ đều tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn an toàn. Đơn cử như việc sử dụng nước giếng khoan, nước sạch để tưới cho chè; thay thế toàn bộ phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ; đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun thuốc đến khi thu hái…

 Anh Ngô Mạnh Hinh, thành viên Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, cho biết: Gia đình tôi 3 đời đều làm chè. Trước đây, việc chăm sóc, sản xuất, chế biến chè của gia đình đều chưa chú trọng về đảm bảo môi trường, vẫn còn sử dụng phân bón hóa học. Tuy nhiên, nhiều năm nay, chúng tôi chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc thảo mộc chăm sóc chè. Nhờ đó, không chỉ chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt mà sức khỏe của gia đình cũng được đảm bảo. Hiện nay, trên 5.600m2 chè của gia đình đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Không chỉ gia đình anh Hinh, nhiều hộ dân, hợp tác xã tại các làng nghề chè trên địa bàn xã Tân Cương cũng đã và đang trồng chè theo hướng hữu cơ. Đến Hợp tác xã chè trung du Tân Cương - một trong những đơn vị có vùng chè nguyên liệu lớn (25ha) được sản xuất theo hướng hữu cơ ở xóm Hồng Thái 2, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí trong lành.

Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã chè trung du Tân Cương, xóm Hồng Thái 2, cho biết: So với làm chè thông thường thì sản xuất chè hữu cơ đòi hỏi cầu kỳ hơn. Tuy nhiên, điểm khác biệt khi làm theo quy trình này là hệ sinh thái nương chè được cải thiện, đất đai trở nên màu mỡ, tuổi thọ cây chè cao hơn, năng suất ổn định hơn. Việc sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu thảo mộc khiến chúng tôi không lo sức khỏe bị ảnh hưởng.

Cùng với chăm sóc chè, việc thu gom, xử lý rác thải tại các làng nghề chè ở Tân Cương cũng được người dân nơi đây đặc biệt quan tâm. Trước đây, các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi trên nương chè sau khi sử dụng thì nay đều được người dân gom lại cho vào túi nilon hoặc để gọn đến khi đủ số lượng sẽ cho ra khu vực tập kết rác thải để công nhân môi trường thu gom và xử lý.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, cho biết: Ngoài khí hậu, thổ nhưỡng thì cách chăm sóc cây chè, nhất là sản xuất theo hướng hữu cơ của người dân ở đây đã góp phần tạo nên được hương vị “rất riêng” của sản phẩm chè Tân Cương. Người dân đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư và người tiêu dùng.

Mới đây, UBND TP. Thái Nguyên quyết định phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề chè truyền thống cho cả 7 làng nghề trên địa bàn. Theo đó, tất cả các nội dung về việc thu gom nước thải, nước mưa; rác thải rắn sinh hoạt… đều được đảm bảo theo quy định; 100% hộ dân làng nghề ký cam kết và chấp hành các quy định bảo vệ môi trường…

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người làm chè trong bảo vệ môi trường làng nghề, nhân rộng diện tích sản xuất chè theo hướng hữu cơ; tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, góp phần khẳng định thương hiệu chè Tân Cương trên thị trường trong và ngoài nước.

https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202405/nguoi-lam-che-tan-cuong-chung-suc-bao-ve-moi-truong-b2804fd/
Các tin khác: