Nơi lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa Tày

Cập nhật ngày: 20/09/2019 09:07 (Lượt xem: 1091)
Như bao du khách đến Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được những “công dân di sản” nơi đây chào đón bằng nụ cười tươi tắn và động tác chắp tay trước ngực khá lạ lẫm nhưng trìu mến, lịch sự. Khu vực rộng khoảng 30ha này đang lưu giữ đầy đủ những nét văn hóa truyền thống của người Tày, là nơi bảo lưu văn hóa Tày với cách làm có một không hai, tạo sự tò mò, thích thú, say mê với du khách.

Nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Tày đã và đang được bảo tồn nguyên vẹn tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

 

“Công dân di sản” là cách gọi thân thương, hàm chứa nhiều ý nghĩa mà Hội Di sản văn hóa Việt Nam đặt cho những cư dân và nhân viên trong Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Làng nhà sàn Thái Hải). Những thành quả từ sự tâm huyết với bản sắc văn hóa dân tộc và kỳ công gây dựng nhiều năm của chủ nhân nơi đây - bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Công ty Thái Hải đồng thời là “Trưởng làng”, không những được du khách gần xa mà cả các cơ quan chuyên ngành văn hóa công nhận. Các cư dân trong Làng vì cảm mến, tin tưởng vào cách nghĩ, cách làm của bà Hải mà cùng nhau dời quê hương (chủ yếu từ ATK Định Hóa) đến đây cùng sinh sống để lưu giữ văn hóa dân tộc mình và làm du lịch. Nghề mà đa phần họ chưa nghĩ đến và cũng chưa biết sẽ phải làm thế nào. 

Từ niềm tự hào, đam mê với văn hóa dân tộc mình, không đành lòng để những nét đẹp hun đúc qua bao thế hệ đó mai một theo thời gian, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã nảy ra ý tưởng “không giống ai”: Mua lại những ngôi nhà sàn cổ mang về phục dựng nguyên trạng, đồng thời mời chính các chủ nhân của những ngôi nhà đó về sinh sống, xây dựng một khu bảo tồn dân tộc Tày cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Mục đích trước hết và ưu tiên hàng đầu của bà Hải là bảo tồn văn hóa Tày, tiếp đến là biến những giá trị đó thành sản phẩm du lịch kèm theo các dịch vụ cho du khách tham quan, thưởng thức. Trải qua 16 năm gây dựng, nay Làng nhà sàn Thái Hải có 34 ngôi nhà sàn với trên 200 cư dân và nhân viên phục vụ, mỗi tháng nơi đây đón tiếp hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước (đã có du khách đến từ 40 quốc gia). Thái Hải từng vinh dự được nhận nhiều giải thưởng du lịch trong nước, quốc tế vì những kết quả trong bảo tồn di sản văn hóa và mô hình phát triển du lịch bền vững.

Chúng tôi bắt đầu vào Làng. Nghi thức đầu tiên trước khi vào cổng Làng là rửa tay tại giếng làng. Chị Lý Thị Chiên là người Tày chính hiệu, cử nhân Văn hóa đã từng công tác, làm quản lý trong ngành gần 20 năm đến năm 2017 trở thành cư dân của Làng nhà sàn Thái Hải, giải thích: Giếng làng gắn liền với đời sống, tâm linh, tín ngưỡng của bà con nên được coi là biểu tượng linh thiêng. Hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Tày xưa là gánh nước buổi sáng như thể đánh thức, bắt đầu một ngày mới… Cổng làng truyền thống của người Tày khá đơn giản nhưng hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, cạnh cổng là một chiếc mõ, khi có tiếng mõ thì người làng biết có khách quý ghé thăm. 

Cùng một sứ mệnh chung là bảo tồn di sản văn hóa Tày nhưng mỗi ngôi nhà sàn ở đây cùng với những người cư trú trong đó lại có chức năng khác nhau, một nét riêng khá dễ nhận biết: Nhà bảo tồn thuốc Nam, nhà bảo tồn nghề làm rượu truyền thống, nhà làm chè, nhà làm bánh, nhà làm thủ công mỹ nghệ, nhà đón khách… Chủ nhân trong những ngôi nhà đó được Trưởng làng phân công dựa trên năng lực, những ưu thế có nét truyền thống của họ trước khi gia nhập Làng. Chúng tôi bước vào ngôi nhà sàn bảo tồn thuốc Nam, gặp một cụ bà khoảng 80 tuổi phúc hậu. Được hỏi tên, cụ chỉ cười, hỏi về thuốc, cụ nói vanh vách nguyên liệu và công dụng từng loại. Chị Chiên bảo: Các cụ già người Tày thường không muốn nói tên thật mà hay được gọi theo tên con, ở đây cả làng quen gọi cụ là bà Nội. Đại gia đình cụ hiện có hàng chục con, cháu, chắt cùng sinh sống quây quần trong những ngôi nhà sàn gần nhau.

Để tạo sinh kế, đảm bảo cuộc sống cho dân làng, Trưởng làng và những người có kinh nghiệm cùng truyền dạy nghề truyền thống cho mọi người, giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc văn hóa để làm du lịch, từng bước đa dạng hóa các dịch vụ nhằm thu hút du khách. Điều rất đặc biệt ở Thái Hải là các sản vật và lợi nhuận thu được, cư dân sau khi tự đảm bảo nhu cầu sẽ nộp cho làng làm của chung, rồi được Trưởng làng phân phối theo cơ chế đã thỏa thuận, đảm bảo lợi ích hài hòa của mọi người (trừ những người làm công ăn lương theo vị trí công việc). Vậy làm sao giám sát để mọi người cùng làm việc trách nhiệm và trung thực? – câu hỏi của chúng tôi không khiến chị Chiên bất ngờ, chị bảo rất nhiều người khi tìm hiểu về mô hình của Thái Hải cũng hỏi như vậy. Câu trả lời rất đơn giản: Mọi người ở đây đều có ý thức tự giác rất cao, ý thức cộng đồng tốt. Làng có lệ bất thành văn, ai nấy đều tự giác tuân thủ. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của người Tày.

Chúng tôi tiếp tục tham quan từng ngôi nhà sàn có đánh số hiệu khác nhau, được mời thưởng thức bánh chưng Tày, chè lam, rượu gạo nếp nấu men lá… là những sản vật đặc trưng, đậm nét truyền thống của người Tày do chính bà con nơi đây tạo ra. Bà Ma Thị Đạm vốn có nghề nấu rượu trước khi từ xã Yên Lãng (Đại Từ) chuyển xuống đây cho biết lượng rượu thuốc, rượu men lá do gia đình làm ra thường không đủ bán cho du khách. Chúng tôi đến đúng lúc gia đình bà chuẩn bị đón một đoàn du khách người Pháp. Bà bảo có một du khách người Nhật đã đến đây đăng ký ở lại 1 tháng để tìm hiểu văn hóa Tày.

Không chỉ lưu giữ rất tốt những giá trị văn hóa vật thể, Làng nhà sàn Thái Hải còn nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn các giá trị phi vật thể truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ và các phong tục, tập quán tốt đẹp. Trẻ nhỏ được dạy hát Then, đàn Tính, dạy nói tiếng dân tộc mình cùng với tiếng phổ thông và tiếng Anh. Tối đến, bên bếp lửa của từng ngôi nhà luôn vang lên lời Then tiếng Tính làm say lòng du khách đến thăm... 

Chia tay Làng nhà sàn Thái Hải khi lòng còn chưa thỏa, bởi muốn tìm hiểu hết những thứ trong một “bảo tàng” khổng lồ và đặc sắc như vậy, vài tiếng đồng hồ tham quan như chúng tôi mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Ai từng biết và hiểu về nơi này cũng sẽ cảm phục những gì mà các cư dân ở đây đang âm thầm, kiên trì bảo tồn vì chình họ và thế hệ mai sau.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: