"Nóng" tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả, bài 1: “Ma trận” làm giả

Cập nhật ngày: 16/04/2024 09:15 (Lượt xem: 955)
Thời gian qua, trên cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, tội phạm làm giả giấy tờ ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã đấu tranh mạnh với loại tội phạm này, đồng thời cảnh báo nhiều thủ đoạn phạm tội để người dân nêu cao cảnh giác.
Các đối tượng đăng thông tin nhận làm giấy tờ giả công khai trên các trang web và mạng xã hội.
Các đối tượng đăng thông tin nhận làm giấy tờ giả công khai trên các trang web và mạng xã hội.

Chỉ cần đưa tiền, ảnh, kèm theo một vài thông tin cá nhân cần thiết, sau một thời gian ngắn, người mua đã có ngay loại giấy tờ giả để sử dụng, như: Giấy khám sức khỏe, các loại bằng từ THPT đến cao đẳng, đại học, hay chứng chỉ tiếng Anh và cả căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe...

Trong vai người mua

Qua mạng xã hội Facebook, phóng viên nhắn tin với chủ tài khoản có tên “Nguyễn Ánh”, đặt vấn đề muốn làm một bằng đại học. Ngay lập tức, chủ tài khoản báo giá: 3 triệu đồng cho 1 tấm bằng, nếu muốn kèm bảng điểm thì thêm 500 nghìn đồng và quảng cáo: “Thích làm bằng ở trường đại học nào cũng có và muốn tốt nghiệp loại gì cũng ok”.

Sau đó, người này đề nghị phóng viên cung cấp tên tuổi, cùng 1 ảnh thẻ kích cỡ 3x4. Để tạo lòng tin, chủ tài khoản gửi một loạt hình ảnh tin nhắn giao dịch mua, bán các loại bằng cấp, giấy tờ đất đai giả… của mình với khách hàng trước đó. Đồng thời hứa sẽ đem bằng giả đi công chứng và gửi kèm khi giao hàng, đảm bảo bằng như thật, không thể phát hiện ra.

Cuối cùng “Nguyễn Ánh” gửi số tài khoản ngân hàng giục phóng viên chuyển khoản 200 nghìn đồng đặt cọc, kèm hướng dẫn: Sau khi bằng giả được làm xong, em sẽ chụp ảnh bằng giả để “ship” nhanh hoặc gửi xe ô tô.

 

Cũng thông qua mạng xã hội Facebook, phóng viên vào trang “Làm giấy tờ, bằng cấp giả các loại”, nhắn tin với chủ tài khoản “Lê Thị Trang” cần mua bằng lái xe giả. Chưa đầy 3 giây, người này gửi số điện thoại đăng ký tài khoản mạng xã hội Zalo với tên “An Bình” để kết bạn giao dịch.

Qua tin nhắn Zalo, đối tượng báo giá 1,5 triệu đồng cho 1 giấy phép lái xe, thời gian cần gấp thì giá là 1,8 triệu đồng. Để chúng tôi yên tâm “chốt đơn”, tài khoản này cũng gửi nhiều hình ảnh giấy phép lái xe giả và khẳng định chắc nịch: “Giấy phép lái xe được làm từ phôi gốc nên có thể dùng mãi mãi”.

Tôi bịa một cái tên và ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, quốc tịch như hướng dẫn để gửi cho người này, thì ngay hôm sau đã nhận được file ảnh chụp giấy phép lái xe giả do Sở Giao thông Vận tải cấp với đầy đủ chữ ký, con dấu của cơ quan chức năng và thông tin người sử dụng như đã cung cấp.

Quan sát bằng mắt thường, chúng tôi cũng khó phân biệt, bởi giấy phép lái xe giả còn có mã QR y như thật. Người giao dịch với chúng tôi khẳng định, có thể dùng mã QR này để quét ra các thông tin như chúng tôi đã cung cấp. Chúng tôi vờ nhắn đồng ý với mẫu đã xem, chỉ chờ có thế, chủ tài khoản giục chuyển tiền để gửi chuyển phát nhanh, có thể nhận được ngay trong ngày…

 

Dễ như... mua rau

Chỉ cần gõ vài từ khóa “làm giấy tờ giả”, “bằng cấp giá rẻ” hoặc “mua bán giấy tờ, bằng cấp” trên công cụ tìm kiếm Google hay trên mạng xã hội Facebook, sau vài giây, chúng tôi nhận được hàng chục nghìn kết quả là những hội nhóm và địa chỉ website liên quan như: Làm bằng toàn quốc, dịch vụ làm giấy tờ tùy thân, giấy tờ giả các loại phôi thật giá rẻ; cộng đồng làm bằng cấp phôi gốc rẻ, nhanh; lambangnhanh24h.com...

Trên mạng xã hội Facebook, những nhóm này để chế độ công khai và có số lượng thành viên lên đến vài chục nghìn người. Mỗi nhóm là một chợ online nhộn nhịp hoạt động mua, bán bằng cấp, giấy tờ giả. Còn ở các website, khách hàng có thể dễ dàng liên hệ với người bán qua số điện thoại được đăng tải trên trang.

Các trang, hội nhóm làm bằng giả có sự tham gia của vài nghìn đến hơn một trăm nghìn thành viên tham gia.
Các trang, hội nhóm làm giấy tờ giả có sự tham gia của vài nghìn đến hơn một trăm nghìn thành viên.

Ngang nhiên hơn, các đối tượng còn nhắn tin trực tiếp đến các số điện thoại di động cá nhân để quảng cáo nhận làm các loại giấy tờ giả. Theo lời chào mời ở các trang, hội nhóm này thì bất kể loại giấy tờ nào cũng có thể làm giả miễn là người mua có nhu cầu, kèm theo những lời quảng cáo “có cánh” như: Giao hàng nhanh chóng, giá cả phải chăng, dịch vụ uy tín, sản phẩm chất lượng…

Để thu hút lượt quan tâm, truy cập, các website được thiết kế với nhiều nội dung “hấp dẫn”, thuận tiện cho người xem, nhiều trang còn đăng tải danh sách các loại bằng cấp, giấy tờ có thể làm giả. Thậm chí có cả chế độ bảo hành bằng khi sử dụng. Và để phục vụ “thượng đế”, các trang luôn có nhân viên trực, sẵn sàng tư vấn miễn phí 24/24 giờ...

Đơn cử như trên website: https://lambangnhanh24h.com, khi truy cập vào mục làm bằng tốt nghiệp giả, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là dòng cam kết “làm nhanh chóng - uy tín” cùng nhiều thông tin kèm theo như: Phôi thật, tem thật được tuồn từ các trường; đầy đủ trọn bộ bảng điểm như một sinh viên ra trường; mộc đỏ gốc thật 100%, mộc nổi, chìm in giáp lai đầy đủ, bao soi rọi, bao công chứng; tính năng bảo mật thông tin tuyệt đối; bảo hành 6 tháng, khi bằng mất, rách được làm lại miễn phí…

 

Có thể thấy, việc mua giấy tờ giả hiện nay quá dễ dàng. Trở lại việc “nhập vai” của chúng tôi nói trên, khi đặt vấn đề mua giấy phép lái xe giả với một chủ tài khoản Facebook có tên “Hoang Nguyen”, chúng tôi được người này báo giá 3 triệu đồng, nhưng khi chúng tôi chê đắt thì lập tức được giảm giá xuống còn 2,5 triệu đồng. Người này giải thích giá cao hơn những chỗ khác là vì giấy phép lái xe họ cung cấp được làm từ phôi gốc của một trường đại học, nên người sử dụng không lo bị cơ quan chức năng phát hiện.

"Nơi gặp gỡ" cung - cầu

Do cần giấy khám sức khỏe để nộp hồ sơ xin việc nên Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 2002, trú tại xã Thành Công, TP. Phổ Yên) tìm mua giấy khám sức khỏe trên mạng xã hội. Qua nick Facebook “Mỹ Linh”, Huệ đã đạt được mục đích là sở hữu tờ giấy khám sức khỏe mà không phải mất công đi khám, với giá 160 nghìn đồng. Sau khi được nhận vào làm trong công ty, biết nhiều người muốn mua giấy khám sức khỏe, Huệ đã liên hệ với người mình từng mua để mua 15 tờ, với giá 80 nghìn đồng/tờ, rồi bán cho người khác với giá 150 nghìn đồng/tờ để ăn chênh lệch.

Thấy việc kiếm tiền theo cách trên dễ dàng, Huệ cùng chồng là Lâm Văn Quý tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Để có lợi nhuận cao hơn, hai vợ chồng Huệ tự “sản xuất” giấy khám sức khỏe và giấy ra viện bằng cách sử dụng máy photocopy màu scan các giấy giả đặt mua trên mạng, rồi đem bán.

Sau khi bán thành công khoảng 100 giấy khám sức khỏe và giấy ra viện giả mạo các bệnh viện như: Bệnh viện C Thái Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai, thu lời hàng chục triệu đồng thì hai vợ chồng Huệ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Từ người đi mua để sử dụng, Huệ trở thành người đi buôn, và rồi tự "nâng cấp" thành người sản xuất giấy tờ giả.

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, có nhiều nguyên nhân khiến không ít người dân sử dụng các loại giấy tờ giả, nhưng đa số đều xuất phát từ nhu cầu của một số người không muốn học, lười đi học, nhưng lại muốn có bằng cấp, giấy tờ để làm hồ sơ xin việc, hoàn thiện hồ sơ để thăng tiến.

Hoặc, nhiều trường hợp để ngụy trang, che mắt cơ quan chức năng, hay nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… nên đã đặt mua và sử dụng các loại giấy tờ giả. Trường hợp vợ chồng Đặng Thị Huyền Đức và Nguyễn Văn Niêm (trú tại xóm 7, xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên) trong vụ án làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý cuối năm 2023 là một ví dụ.

Do kinh doanh thua lỗ và đánh bạc trên mạng dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất, nên tháng 7-2021, hai vợ chồng Đức nảy sinh ý định làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm trả nợ. Vợ chồng Đức đã mượn và chụp ảnh “sổ đỏ” của mẹ đẻ Đức, rồi cung cấp thông tin cho địa chỉ làm giả giấy tờ qua mạng xã hội, trả chi phí 400 nghìn đồng để làm giả 2 “sổ đỏ”.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, khi có trong tay giấy tờ giả nói trên, vợ chồng Đức đã thế chấp cho một cá nhân để chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng. Đồng thời làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất sang tên mình, sau đó đem thế chấp ngân hàng chiếm đoạt số tiền 1,8 tỷ đồng.

 

Có cầu ắt có cung, người mua đạt được mục đích, người bán kiếm lợi dễ dàng chính là nguyên nhân khiến giấy tờ giả ngang nhiên thâm nhập vào đời sống hiện nay như một loại “hàng hóa”. Từ đó, các cơ sở làm giấy tờ giả mọc lên như nấm sau mưa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không chỉ bán lẻ giấy tờ giả cho người có nhu cầu mua, nhiều tài khoản Facebook còn đăng bán sỉ số lượng lớn và tuyển cộng tác viên bán giấy tờ giả với mức chiết khấu cao cho mỗi đơn hàng. Cộng tác viên càng mời chào được nhiều khách hàng làm những loại giấy tờ, bằng cấp giả có độ khó cao như: Bằng tốt nghiệp, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... thì càng được nhiều “hoa hồng”.

Vậy, sự tinh vi của các đối tượng phạm tội để “hô biến” giấy tờ giả giống như thật nhằm “qua mặt” người dân và lực lượng chức năng, đáp ứng các yêu cầu của “thượng đế” với thời gian “thần tốc” ra sao? Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo trên Báo Thái Nguyên…

https://baothainguyen.vn/phap-luat/202404/nong-tinh-trang-lam-va-su-dung-giay-to-gia-bai-1-ma-tran-lam-gia-7160051/
Các tin khác: