Phú Lương cải thiện chỉ số hài lòng của người dân

Cập nhật ngày: 29/03/2020 08:31 (Lượt xem: 969)
Nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS), năm 2019, huyện Phú Lương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính (CCHC). Nhờ vậy, theo đánh giá về chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh, chỉ số SIPAS của huyện Phú Lương đạt tỷ lệ cao nhất trong 9 huyện, thành, thị.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Yên Lạc.

Năm 2017, huyện Phú Lương được đánh giá có chỉ số CCHC thấp nhất trong toàn tỉnh. Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong CCHC, năm 2018, huyện đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp như: Đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TNTKQ) của huyện và 15 xã, thị trấn; đa dạng hoá hình thức tuyên truyền; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan… Nhưng theo đánh giá chỉ số CCHC năm 2018, huyện mới chỉ vượt lên 1 bậc so với năm 2017. Trước tình hình đó, huyện tiếp tục rà soát, phân tích nguyên nhân dẫn đến các chỉ số điểm còn thấp. 

Trên cơ sở đó, năm 2019, huyện đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác CCHC, trong đó tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số SIPAS; ban hành văn bản quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc tới 15 xã, thị trấn… Bên cạnh công tác chỉ đạo, việc kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng. Năm 2019, huyện đã tổ chức được 2 đợt giám sát tại 7 đơn vị bằng hình thức đột xuất và theo kế hoạch. Nội dung kiểm tra về việc thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính (TTHC); hiện đại hoá nền hành chính; đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức tại bộ phận TNTKQ… Đồng thời, huyện cũng thường xuyên đôn đốc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các phòng, ban chuyên môn và cơ sở… Song hành với đó, công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn cũng được nâng cao. Ông Nguyễn Thế Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đu cho biết: Hiện nay, thiết bị điện thoại, máy tính của tôi đều có kết nối hình ảnh từ camera giám sát tại Bộ phận TNTKQ. Nhờ đó, tôi có thể theo dõi quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ bất cứ khi nào. Ngoài ra, tôi cũng trực tiếp kiểm tra quy trình làm việc của cán bộ tại Bộ phận TNTKQ; khảo sát đánh giá của người dân về thái độ làm việc của cán bộ. Định kỳ theo tuần và tháng, chúng tôi đều có nhận xét, đánh giá cán bộ trong thực hiện công tác CCHC…

Bên cạnh công tác giám sát, huyện cũng tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Trong năm 2019, huyện đã tổ chức được 1 lớp tập huấn CCHC cho 103 cán bộ cấp huyện, xã; 1 lớp ứng dụng công nghệ thông tin cho 100 cán bộ; 3 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã… Ngoài ra, huyện còn tích cực tuyên truyền CCHC thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu CCHC; hệ thống phát thanh, cổng thông tin điện tử cấp huyện; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các chương trình lồng ghép nội dung về CCHC… Qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của cán bộ. Chị Hoàng Thị Chuyền, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Yên Lạc chia sẻ: Trước đây, mỗi khi gặp công dân khó tính hoặc không hiểu rõ về TTHC, tôi thường có tâm lý không được thoải mái khi giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn nghiệp vụ và được sự chỉ đạo, góp ý thường xuyên của lãnh đạo xã, tôi đã thay đổi cách làm việc, ứng xử mềm mỏng, tận tình hơn với nhân dân. Nhờ đó, công việc đạt hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, năm 2019, huyện cũng đầu tư bổ sung hệ thống lấy số xếp hàng tự động, loa gọi, hệ thống tra cứu và đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận TNTKQ cấp huyện, xã. Với hệ thống này, người dân sẽ dễ dàng tra cứu TTHC và đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ công chức; là công cụ để nhắc nhở cán bộ luôn nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân…

Bằng việc triển khai quyết liệt các giải pháp, mức độ hài lòng của nhân dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng được nâng cao. Ông Đỗ Đình Hợi (xóm Yên Thuỷ 4, xã Yên Lạc) chia sẻ: Trước đây, tôi rất ngại làm TTHC, đặc biệt về lĩnh vực đất đai, tư pháp - hộ tịch vì mất nhiều thời gian và cán bộ chưa tận tình. Tuy nhiên, hiện nay, khi tôi tới UBND xã làm thủ tục chuyển nhượng đất, đã được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, dễ hiểu. Vì vậy, tôi chỉ mất khoảng nửa tiếng là hoàn thiện thủ tục, không phải đi lại nhiều lần.

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2019, chỉ số SIPAS của huyện đạt 98,3% (tăng 21,9% so với năm 2018); kết quả chỉ số CCHC xếp thứ 5 trong các huyện, thành, thị (vượt lên 3 bậc so với năm 2018). Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nền hành chính vì dân phục vụ, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trang bị, hệ thống cơ sở vật chất tại bộ phận TNTKQ; kiểm tra, giám sát công tác CCHC tại cơ sở; tổ chức chấm bộ phận TNTKQ tại 15 xã, thị trấn hàng quý… 

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/phu-luong-cai-thien-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-270073-205.html
Các tin khác: