Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững

Cập nhật ngày: 21/09/2018 02:33 (Lượt xem: 975)
Những năm gần đây, rác thải không chỉ là vấn đề cấp bách của riêng các đô thị, thành phố lớn mà cũng trở thành vấn đề đáng báo động ở nhiều vùng nông thôn.Mặc dù đã được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, song công tác bảo vệ môi trường ở khu vực này vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là lý do Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm nay lựa chọn chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải tại vùng nông thôn.

Thu gom, xử lý rác thải tại Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Phú Cường (Võ Nhai).

 

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn là khoảng 300-400 tấn/ngày. Đó là chưa kể đến lượng chất thải chăn nuôi, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và chất thải rắn phát sinh từ các làng nghề. Tuy nhiên, lượng rác thải được xử lý tại khu vực này mới đạt khoảng 60% so với lượng phát sinh (thấp hơn từ 20-30% so với khu vực thành thị).

Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc quản lý, thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn gặp khó khăn. Trước hết, là do chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn. Nếu như khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường là các doanh nghiệp công ích thì ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức thu nhập khiêm tốn.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác ở nhiều địa phương còn chưa hợp lý; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Các hoạt động sản xuất ở nông thôn phần lớn ở quy mô hộ gia đình, gần khu dân cư; hình thức sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý là nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường vẫn chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định. Việc xử lý rác thải tại nông thôn hiện vẫn do người dân tự chủ động chôn lấp là chính. Ngoài ra, một số địa phương có lò đốt rác mini như Võ Nhai, Phú Bình, Đại Từ… Toàn tỉnh có 2 lò đốt rác công suất lớn (100-150 tấn/ngày) là ở T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên.

Cũng bởi nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc thu gom rác thải tại khu vực nông thôn còn khá hạn chế. Đơn cử như ở huyện Phú Bình mới chỉ có 1 bãi xử lý rác thải và 1 lò đốt rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, khu vực xử lý rác thải này mới chỉ đảm đương được lượng rác thải tại khu vực trung tâm huyện, dọc Quốc lộ 37, tỉnh lộ 266 và một số xã lân cận, tần suất thu gom là 2-3 ngày/lần. Còn lại, số hộ dân ở một số xã ở xa trung tâm vẫn chủ yếu thu gom, xử lý rác tại nhà.

Nhằm hạn chế những tác động tới môi trường nông thôn, gia tăng trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, những năm qua, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, trong đó chú trọng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, địa phương để thực hiện tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong triển khai xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới…

Các hoạt động bảo vệ môi trường bám sát với từng chủ đề của Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” hàng năm. Trên cơ sở đó, nhiều mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường nông thôn đã được hình thành, góp phần hạn chế đáng kể rác thải khu vực nông thôn. Đáng chú ý là các mô hình: Quản lý thí điểm chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật một số xã chuyên canh chè, lúa và rau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Sở Tài Nguyên và Môi trường triển khai; thu gom, phân loại rác thải và xử lý rác thải nông thôn do Hội Nông dân tỉnh triển khai tại phường Bách Quang (T.P Sông Công); sản xuất phân hữu cơ vi sinh đa chủng từ phế thải nông nghiệp quy mô hộ gia đình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường; bếp đun cải tiến ĐK/lò sao chè cải tiến do Hội phụ nữ tỉnh triển khai… Từ đây đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Cũng như mọi năm, thời điểm này, hòa cùng sự kiện môi trường quan trọng của thế giới, các tỉnh, thành trên cả nước lại diễn ra rầm rộ các hoạt động bảo vệ môi trường. Tại tỉnh ta, các huyện, thành, thị đã và đang tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm nay, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân. Chiến dịch này chính thức được phát động vào ngày 21-9 tại Trường THPT Phổ Yên (T.X Phổ Yên). Sau đó sẽ tiếp tục được triển khai thông qua các hoạt động thiết thực tại cơ sở như: Diễu hành, cổ động về bảo vệ môi trường; khơi thông dòng chay, nạo vét kênh mương, ao hồ; phát động và duy trì các phong trào Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh; triển khai các mô hình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp có thành tích trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: